Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

"Văn chương lâm nguy" của Todorov và các vấn đề về lý luận văn học

Nhân dịp cuốn sách Văn chương lâm nguy của Tzvetan Todorov được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – NXB Văn Học tổ chức dịch và xuất bản (Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính), ngày 14/6/2011, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, được sự chỉ đạo và ủy thác của Hội Nhà văn Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Văn chương lâm nguy của Todorov và các vấn đề về lý luận văn học” tại Hội trường Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh - 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM.

Dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia lý luận, các giáo sư, nhà văn, nhà báo… quan tâm đến vấn đề lý luận văn học hiện thời. Dưới đây là một số ý kiến phát biểu tại hội thảo.
1. GS-TS Mai Quốc Liên: Cuốn sách Văn chương lâm nguy của Tzvetan Todorov (Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch) có độ tin cậy cao. Sách được TS Trần Huyền Sâm và dịch giả tiếng Pháp có thâm niên Trần Thiện Đạo tiến hành cẩn trọng.
Các vấn đề lý luận được Tzvetan Todorov nêu ra trong quyển sách này theo tôi không có gì mới lạ. Nói văn chương gắn với thế sự, con người, cuộc đời là chuyện có từ thời Aristote, thời Khổng Tử nhưng nói văn chương là khép kín, là tự trị, không cần biết đến con người, cuộc đời, chỉ quan tâm đến hình thức đến “cái biểu đạt” thì theo tôi là ngụy biện.
Việt Nam một thời gian dài vì chiến tranh, khép kín, đói thông tin, chỉ học ở Nga... Thế nên khi mở cửa, thì bị choáng ngợp trước kho tàng lý thuyết phương Tây. Nơi nơi ồ ạt nhắc đến lý thuyết này, và nó trở thành cơn sốt trong nhà trường. Thực ra thì ở Sài Gòn trước 1975 nó đã thịnh hành, và ở phương Tây nó cũng đã trở nên cũ rồi. Tất cả các luận án đều hướng đến hình thức, bỏ hẳn nội dung, cuộc sống… Quan niệm này đã ảnh hưởng đến khuynh hướng lý luận văn học một thời gian dài, bây giờ Tzvetan Todorov giật mình nhận thấy mình đã sai, nên anh đã tự kiểm điểm và dám nói lên sự thực, là điều rất có ý nghĩa.
Tình hình đó theo tôi cần được nắn lại cho cân bằng, cân bằng giữa phương Đông và phương Tây, Việt Nam và thế giới, giữa hiện đại và cổ xưa. Ta không gạt bỏ hết những gì mà lý luận phương Tây đã tìm kiếm, ta cần tiếp nhận những cái gì hợp lý, hữu ích. Nhưng về căn bản, ta phải giữ vững quan niệm văn chương gắn với con người, với cuộc đời, khắc phục những cái cực đoan, cứng nhắc “văn học bị thâu tóm vào vòng phi lý”, “giảng dạy và phê bình văn học (liên đới với) một ý niệm hẹp hòi và nghèo nàn đến mức phi lý” (Tzvetan Todorov). Như Tzvetan Todorov đã nói khi quay về chủ nghĩa nhân văn, “chúng ta có thể không sống giữa các thiên thần, nhưng chúng ta phải sống giữa những con người”.
Nói về văn nghệ, tôi nhớ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp được hỏi: “Quan niệm của Đại tướng về văn nghệ như thế nào?”, thì ông trả lời ngay: “Độc Lập, Tự Do”. Tôi thấy ông nói đúng. Văn nghệ, lý luận văn nghệ phải độc lập - tự do, phải nghĩ bằng cái đầu của mình và phải lao động sáng tạo trên chính mảnh đất của mình. Phải có cái đầu độc lập tự do trong nghiên cứu.

Nhà lý luận văn học Tzvetan Todorov.
2. Nhà giáo Nhân dân-GS Trần Thanh Đạm: Trước khi có trong tay quyển sách này thì tôi cũng đã được biết sơ qua nó trên báo Văn Nghệ, do TS Trần Huyền Sâm giới thiệu. Tôi rất hoan nghênh. Tôi thấy rằng, nội dung ý nghĩa của cuốn sách này được dịch giả giới thiệu ở đầu cuốn sách là tương đối đầy đủ: “Văn chương lâm nguy không phải là một công trình lý luận chuyên biệt, hay một tác phẩm giải trình một trào lưu văn học mới nào, nhưng nó thu hút sự chú ý của chúng ta ở tinh thần phê phán quyết liệt của tác giả trước tình hình tiếp cận văn chương hiện nay, không chỉ ở Pháp. Hơn thế nữa, nó còn dành cho độc giả một yếu tố bất ngờ: tính chất tự phản biện và đối thoại của Tzvetan Todorov về một hệ thống lý thuyết mà chính ông là người đã thiết lập”.
Có lẽ ý nghĩa của cuốn sách là lời tự thú của một trong những người đã xây dựng lên một cái thuyết, phải nói là, thống trị cả thế kỷ XX ở phương Tây. Thật ra, theo tôi, học thuyết này đã sai lầm từ lâu rồi. Đến bây giờ, Tzvetan Todorov không thể che giấu sai lầm đó được nữa thì anh ta đành phải thừa nhận mình sai lầm thôi. Như chính anh nói ở phần sau cuốn sách, một quan niệm què quặt về văn chương đã “cắt đứt mối quan hệ của nghệ thuật với thế giới”. Một quan niệm văn chương què quặt, còn bản thân người đọc, họ tìm trong tác phẩm văn chương những gì có ý nghĩa với cuộc đời của họ và họ là những con người có lý.
Như vậy, độc giả bao giờ cũng có lý. Văn chương bao giờ cũng vì con người và vì cuộc đời. Chỉ có những nhà lý luận văn chương vì lý do nào đó anh tiếp cận văn chương một cách sai lầm mà thôi. Tôi nghĩ như thế. Và đây ý nghĩa của Tzvetan Todorov, đúng như là dịch giả có nói, “gợi cho chúng ta suy nghĩ về văn chương”. Chính Todorov đề xuất ra vấn đề văn chương. Ví dụ vấn đề tự thỏa mãn. Văn chương chỉ tự thỏa mãn thôi chứ nó không cần cái gì bên ngoài cả. Hay văn chương là viết chứ không phải là sáng tác. Viết là một nội động từ, có nghĩa là anh không cần biết viết vì cái gì mà đơn giản anh viết vì viết thôi. Tác giả đã chết, chỉ có tác phẩm và người đọc. Người đọc quyết định văn chương có cái gì, văn chương có giá trị gì. Đại khái có những thuyết vô lý như thế mà vẫn tồn tại. Một quan niệm què quặt như thế đến một lúc nào đó không thể che giấu được nữa thì phải thừa nhận và đây chính là bài học tốt cho chúng ta hiện nay.
3. GS-TS Nguyễn Văn Hạnh: Đây là quyển sách về lý luận văn học, hay đúng hơn về phương pháp luận văn học của một nhà văn Bulgaria nổi tiếng, xuất bản ở Paris năm 2007, và nay được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (Hội Nhà văn Việt Nam) xuất bản. Cuốn sách trình bày sự vận động, thực trạng nghiên cứu văn học phương Tây từ thời Cổ đại cho đến hiện đại. Nêu rõ chỗ được và chưa được, nhấn mạnh đến những chỗ mà Tzvetan Todorov coi là đã ảnh hưởng đến học sinh của chúng ta trong nhà trường như thế nào.
Tôi nghĩ đây là một cuốn sách có nhiều bổ ích cho chúng ta trong việc nghiên cứu và giảng dạy hiện nay. Theo tác giả, trong việc giảng dạy văn và học văn hiện nay người ta coi nhẹ ý nghĩa văn chương vốn nằm ở bản chất nhân văn của nó: Văn chương tập trung nói về con người, là cuộc giao lưu phong phú, kỳ lạ, bất tận giữa những con người với nhau. Rất có thể có những người coi đó là ý kiến cũ kỹ không đáng quan tâm, nhưng theo kinh nghiệm mấy mươi năm nghiên cứu và giảng dạy, tôi đánh giá cao nhận thức thức thời và nhân văn này. Tôi muốn nhân đây nói một số suy nghĩ của mình về sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy văn chương hiện nay vì nó có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Tôi rất quý công trình này, một phần bởi vì tác giả đặt vấn đề đúng. Nhất là ông là người đặt ra thuyết này. Tôi thành thật nói rằng, tôi không lạc quan lắm về tình hình sáng tác, nghiên cứu của văn học hiện nay. Qua cuốn sách này, tôi thấy mình có một số suy nghĩ về tình hình nghiên cứu lý luận ở Việt Nam gần giống Tzvetan Todorov, chỉ khác ở cách lập luận thôi.
Trước hết tôi nói đến vấn đề sáng tác: Sáng tác văn chương là do tác giả làm ra từ cuộc sống, từ các thành tựu tinh thần khác như: triết học, văn hóa, khoa học, từ tình cảm trí tuệ, óc tưởng tượng, kể cả bản thân sự bịa đặt của nhà văn. Nói đến tác phẩm là nói đến nội dung và hình thức, tư tưởng và nghệ thuật, chủ quan và khách quan, cái riêng và cái chung, sự thật và hư cấu, truyền thống và cách tân v.v… Một khuynh hướng đáng lo ngại của văn chương hiện tại là chạy theo hình thức, kỹ thuật, coi nhẹ nội dung tư duy, xa rời cuộc sống và con người, bỏ qua cái đẹp, coi thường cái chân cái thiện, cắt đứt với cộng đồng và cuộc sống bên ngoài. Một hướng sáng tác như vậy sẽ sớm đưa văn chương đến cằn cỗi, làm cho người đọc xa lánh nó, không cần đến nó. Theo tôi đây là nỗi lo lớn, là nguyên nhân khiến cho văn chương mất sức sống.
Thứ hai là tôi nói đến vấn đề tiếp cận văn chương. Khi nghiên cứu văn chương người ta cần chú ý đến ba bình diện: tư tưởng, nghệ thuật và ngôn từ. Bình diện nghiên cứu có thể có ít hoặc nhiều giá trị nhưng nhất thiết phải gắn với văn chương, gắn với sáng tạo văn chương, nhưng lại không lấn át sáng tạo văn chương, tiếp nhận tác phẩm văn chương của từng người đọc. Trong dạy văn, học văn thì cái gì là quan trọng nhất? Nói chung là cách dạy văn ở trường phổ thông và cách dạy ở khoa văn khác lắm. Người học văn học ở phổ thông là để ứng xử, để sống ở đời, để hoàn thiện nhân cách, chứ không phải là đi làm, nghiên cứu về văn. Tôi muốn lưu ý ở đây một tư tưởng của Marx, rằng khi lúng túng bối rối không tìm thấy lối ra thì cần cái cơ bản, cái gốc, mà cái cơ bản cái gốc đối với con người chính là bản thân con người, con người là trung tâm hoạt động, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật. Khi Tzvetan Todorov nói đủ thứ như thế thì trở về cái cơ bản, mà cái cơ bản đối với con người chính là bản thân con người.

Từ trái sang: GS-TS Mai Quốc Liên, PGS-TS Đoàn Trọng Huy,
TS Nguyễn Thị Từ Huy, GS Trần Thanh Đạm tại hội thảo.
Ảnh: K.Ư
4. Nhà phê bình Lê Quang Trang: Tôi thấy nhiều đề nghị của Tzvetan Todorov trong cuốn sách này rất hợp lý và cũng rất gần gũi mình. Ví dụ như giải phóng khỏi thiết chế bó chặt văn chương bằng hình thức. Văn học cần phải tham dự vào những cuộc hội tụ tư tưởng lớn liên quan đến con người. Những điều này, tôi thấy Tzvetan Todorov chân thành và qua đây thì bản thân anh ta có những tiến lên về mặt nhận thức, tiến lên về mặt công việc như thế nào. Những câu như “phân tích tác phẩm giúp chúng ta hiểu thêm về tác phẩm và bản chất con người”, tôi thấy rất gần với chúng ta. Hay là “nghiên cứu văn học là nghiên cứu về con người, quan hệ con người với nhau, con người với xã hội và con người với thế giới khác”. Cái chữ “thế giới khác” này rất cần quan tâm. Lâu nay ta cũng có phần nghiên cứu con người, bản chất con người nhưng ngoài ra chúng ta chưa nghiên cứu con người ở thế giới khác.
Thực tế, chúng ta có rất nhiều điều cần suy nghĩ trong lý luận, sáng tác, đặc biệt là trong phê bình. Có người nói là tôi không cần lý luận gì cả, tôi chỉ có lý luận của riêng tôi. Đó quan điểm dựa theo lý thuyết phương Tây. Những quan điểm đối lập đó, theo tôi cũng đều cần nhìn nhận lại: chẳng hạn trong sáng tác, một số những tác phẩm ồn ào trong thời gian qua kể cả những cây bút từng có thành tựu như Trần Dần, cho đến hàng loạt những cây bút được cho là đổi mới, hiện đại, hậu hiện đại rồi hàng loạt cây bút trẻ thì phân tích tác phẩm để đạt đến vấn đề gì? Theo tôi cuốn sách này cũng là lời cảnh tỉnh cho những người đó, vì cứ lấy lý thuyết này để ca ngợi, để soi đường.
5. PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh (Trưởng phòng lý luận văn học - Viện Văn học Hà Nội): Cuốn sách này tôi đã chờ đợi từ lâu. Là một người làm công tác lý luận phê bình, theo tôi, có lẽ trên thế giới chỉ có Việt Nam coi trọng vấn đề lý luận phê bình, nào là Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương, Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn… Tôi thấy, việc Tzvetan Todorov đề ra một trường phái, anh ta dấn thân theo trường phái đó, rồi anh ta lại từ bỏ trường phái đó là bình thường. Như ở Việt Nam, vấn đề lý luận liên quan đến vấn đề tư tưởng, đặc biệt là liên quan đến giáo dục nên tầm ảnh hưởng của nó rất lớn. Trước tình hình lý luận phê bình hiện nay, cuốn sách này ra đời lúc này là rất hợp thời. Phải nói là Trung tâm Nghiên cứu Quốc học rất nhạy bén. Một cuốn sách ra đúng thời điểm cũng là quan trọng. Sau thời gian nghiên cứu, về già thì người ta thường trở về cái ban đầu. Tzvetan Todorov quay đầu về xã hội, văn hóa, chính trị mà trước kia anh ta chưa thấu triệt, giờ đây thấy có lý nên quảng bá cho quan niệm đó. Anh ta tự phản tỉnh, tự nhận thức và tự phê phán thì dễ lan tỏa hơn, dễ được đón nhận hơn.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, phê bình của chúng ta mấy chục năm trước, những năm 80, đi quá sâu vào cấu trúc hình thức, thậm chí tôn thờ nó. Chủ nghĩa hình thức vẫn có cơ sở của nó. Nó có một câu hỏi mà cá nhân tôi phải suy nghĩ: “thể hiện như thế nào”, chứ không phải “thể hiện cái gì”. Đối chiếu tình hình ở ta, về văn học miền núi chẳng hạn, Tô Hoài và Ma Văn Kháng đều viết về đề tài này, môi trường này, nhưng chỉ khác nhau ở cách kể chuyện. Và chính cách tổ chức và tài năng trong kể chuyện đã làm cho giá trị tác phẩm khác nhau. Rõ ràng là hình thức cũng rất quan trọng. Tôi ủng hộ bài viết phản đối chủ nghĩa hình thức của GS Trần Thanh Đạm. Những nhà văn lớn không bao giờ tin văn học thoát khỏi cuộc sống. Vì thế, chúng ta nên tin và theo họ.
6. PGS-TS Phùng Quý Nhâm: Theo đánh giá của cá nhân tôi, Tzvetan Todorov là một tác giả, một nhà lý thuyết không thể xem thường được, như ý kiến của PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh. Cũng giống như GS Trần Thanh Đạm, tôi cho rằng đúng là ông ta đang nhìn lại, thấy những lầm lỡ của lý thuyết văn chương chứ không phải văn chương lâm nguy trong thời gian qua. Ông ta trở về vấn đề “văn học là gì?”, “văn học là nới rộng vũ trụ chúng ta” ý này thực ra không phải là mới vì từ trước người ta đã nói đến rồi “văn học là nới rộng thế giới”, nó cũng có nghĩa là mở rộng sự hiểu biết của con người với thế giới. Ông trở về những cái rất cơ bản, không mới, không phải của ông như “đối tượng của con người là gì” – chính là con người, những tư tưởng này hoàn toàn không mới. Tzvetan Todorov đã trở về với thuyết nghiên cứu tác phẩm văn chương không phải khám phá về thi pháp hình thức, về những giải cấu trúc mà nghiên cứu tác phẩm văn chương là nghiên cứu ý nghĩa của tác phẩm.
Tôi cho rằng, chính các cơ quan thông tấn của ta cũng làm cho nhiễu lý luận văn học, đặc biệt giới thiệu nhiều vấn đề giải cấu trúc để đánh giá các nhà thơ mới của chúng ta. Chính những người này đã làm cho lệch hướng một số nhà văn, nhà thơ. Tác phẩm mà không cho thấy ý nghĩa tác phẩm như thế nào? Nhà văn nhà thơ muốn chuyển tải tư tưởng tác phẩm đến người đọc như thế nào? Tôi mong cuốn sách phát huy ý nghĩa của nó không chỉ ở thầy cô đại học mà còn cần ở bậc phổ thông nữa.
7. Nhà văn Vũ Hạnh: Tôi phê phán cái gọi là văn học hậu hiện đại, văn học hiện sinh. Tôi đồng ý với GS Trần Thanh Đạm nhận định cuốn sách này là lời “tự thú”. Nhân cái lời tự thú này, ta nên có cái phương pháp dạy đúng trong nhà trường. Vì tất cả những điều Tzvetan Todorov nói thì có gì mới đâu, toàn là cái cũ bây giờ nói lại thôi.
8. PGS-TS Đoàn Trọng Huy: Văn chương lâm nguy là tiếng kêu cứu cho một cách giảng dạy và cảm thụ văn học từ thực trạng của giáo dục Pháp (coi nhẹ nội dung tác phẩm, lấy phương pháp làm cứu cánh) nhưng cũng là tiếng chuông cảnh báo cho thực trạng văn chương và nền lý luận văn học nếu không được định hướng chính xác theo hành trình của tiến bộ nghệ thuật.
Nhân đây, tôi đề xuất phương hướng xây dựng nền lý luận phê bình trong tình hình hội nhập của “thế giới phẳng” hiện nay: Thứ nhất là chấp nhận tình trạng phong phú, đa dạng tuy nhiên không tránh khỏi phần “tạp” và “nhiễu”. Đó là dấu hiệu phát triển trong “mở cửa”. Điều quan trọng là cần có thái độ bình tĩnh, thực sự cầu thị, cởi mở, mạnh dạn đối thoại. Thứ hai là tiếp thu có chọn lọc và nhào nặn. Tránh cực đoan như thái độ bảo thủ hoặc “đổi mới” quá đáng. Thứ ba là phải có định hướng chính xác. Việc này cần các cơ quan hữu trách (các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu…) khẩn trương xây dựng một hệ thống lý luận (phê bình) văn học với ba tiêu chí cơ bản: tiên tiến, hiện đại và nhân văn.
10. TS Nguyễn Thị Từ Huy (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM): Mặc dù là thế hệ sau, nhưng tôi thấy mình cũng cần có trách nhiệm đối với tình hình văn học hiện nay. Tôi xin trao đổi vài kinh nghiệm khi tôi được học ở trung tâm Paris, tôi thấy tên của các triết gia xuất hiện rất là thường xuyên trong bài giảng, khiến tôi kinh ngạc. Ban đầu tôi cảm thấy choáng nhưng sau tôi nghiệm ra rằng lý luận đòi hỏi tư duy, mà phải là tư duy trừu tượng, đòi hỏi triết học. M.Bakhtin là người có chủ ý nghiên cứu triết học. Nhưng hiện tình bây giờ ở Việt Nam tôi thấy quá nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc trong khi làm lý luận…
Nguyễn Thị Bích Đào (lược ghi)
(theo Tạp chí Hồn Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét