Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Trong lâu đài của ký ức (Đông Vy)

Mùi hương là vị phù thủy đầy uy lực, đưa bạn vượt qua hàng ngàn dặm và tất cả những tháng năm mà bạn đã sống. (Helen Keller). Hôm hăm lăm tháng Chạp, cô bạn thân thuở nhỏ gửi email về từ Silicon Valley, viết rằng: “V. ơi, sao tự nhiên mình nhớ quá cái mùi gạo nếp sau khi ngâm lá dứa, chuẩn bị để gói bánh Tét. Nhớ không chịu được, cái mùi thơm thơm ngọt ngào toả ra từ thúng nếp có màu xanh nhạt đó. Lạ ghê, Tết nhất không nhớ gì lại đi nhớ một cái mùi quá đỗi mơ hồ!”
Có gì đâu mà lạ, bạn của tôi. Mùi hương chẳng phải là cội nguồn của nỗi nhớ đó sao, là thứ được lưu giữ lâu dài và mạnh mẽ nhất trong ký ức của con người. Trong cuốn sách lẫy lừng “Đi tìm thời gian đã mất”, Marcel Proust đã viết thế này: “Từ một quá khứ xa xăm nơi không còn gì tồn tại nổi, sau khi mọi con người đã chết, sau khi mọi sự vật đã tan vỡ, thì chỉ còn độc nhất mỗi hương vị là lưu lại, trong một thời gian rất dài, điềm tĩnh và chung thủy tựa những bóng ma, mỏng manh mà rất kiên cường, mơ hồ nhưng vô cùng bền bỉ, và chỉ trong giây lát xuất hiện của nó, trong cái cốt lõi bé nhỏ mà rất đỗi tinh tế của nó chứa đựng cả toà lâu đài mênh mông của ký ức”.

Tôi nhớ có lần tôi hỏi bạn, trong bài hát “Scarborough fair” có một câu lặp lại trong tất cả các đoạn, nhưng dường như vô nghĩa: “parsley, sage, rosemary and thyme”. Đó chỉ là tên của bốn loại thảo mộc: ngò tây, xô thơm, hương thảo và húng tây. Nó liên quan gì đến Scarborough fair và tình yêu kia chứ? Bạn trả lời, nó có nghĩa đấy. Cả bốn loại thảo mộc này đều là biểu tượng của tình yêu, lòng chung thủy và những hoài niệm. Và đặc biệt nhất, tất cả đều có mùi thơm rất riêng. Chúng gợi lên nơi chàng trai nỗi nhớ da diết về “mùi hương xuân sắc” của người con gái mình yêu. Chúng như một tín hiệu nhắn gửi rằng: “Em yêu ơi, anh đã luôn mang theo mùi hương trong nỗi nhớ. Còn em, sao không trở về”


Bài hát sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển lời Việt với tựa đề "Giàn thiên lý đã xa". Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng thật tuyệt vời khi ông đã tìm được một hình ảnh tương đồng với những thảo mộc trong “Scarborough fair”: những bông hoa thiên lý dân dã, có mùi thơm thoảng dịu, màu xanh ngọt ngào để làm khởi đầu cho tình yêu, nỗi thất vọng, và cả những hoài niệm êm đềm của một “trái tim non”.


Một sáng tháng chạp, khi vừa mở bừng mắt dậy, tôi bỗng nghe phảng phất trong không gian một mùi nồng nồng quen thuộc lắm. A, mùi củ kiệu. Không cần chạy xuống bếp, cũng biết mẹ đã mua liền mấy thúng củ kiệu về chuẩn bị ngâm chua. Cái mùi củ kiệu ấy còn vương bám trên mọi ngóc ngách trong nhà dai dẳng đến vài ngày sau, qua mấy công đoạn ngâm, phơi, cắt...cho đến khi đã yên vị hẳn trong lọ, những củ kiệu trắng tinh, ngon lành, sạch sẽ. Bắt đầu từ đó, tôi biết Tết đã cận kề.


Những ngày tiếp theo, khứu giác của tôi làm việc hết cỡ vào mỗi buổi sáng. Quấn mình trong chăn ấm, tôi thích thú gọi tên từng mùi: đây là mùi măng khô đang luộc trong nồi. Đây là mùi thịt kho hột vịt, nghe thoảng thoảng vị béo của mỡ. Đây là mùi ngọt gắt của đường cát chưa tan hết trong chảo mứt đang sên. Đây là mùi đậu xanh vừa xát vỏ. Đây là mùi hoa vạn thọ, hẳn ba vừa mua mấy chậu về đặt trước hiên nhà. Còn đây chắc chắn là mùi khói của nồi bánh Tét đang sôi. Và đây, mùi nhang trầm – hôm nay đã là ba mươi rồi đó, dậy đi thôi để chuẩn bị rước ông bà về ăn Tết với cháu con.


Có người nói với tôi rằng, đôi khi đang chạy xe trên đường, chợt nghe mùi vôi vữa là anh nhớ Tết, khi nhà nhà xây sửa, khi những bức tường đua nhau mặc áo mới. Tôi thì nhớ Tết khi ngửi thấy mùi vẹc-ni, nhớ lúc mấy chị em hè nhau đánh lại bộ ghế xa lông bằng gỗ trong phòng khách. Thỉnh thoảng, khi tình cờ đi ngang xưởng mộc, một niềm vui lạ lẫm bỗng len vào tim tôi, khơi lại cảm giác êm đềm của những ngày giáp Tết, nỗi nôn nao chờ đợi Tết đến. Lạ vậy đó, mỗi năm Tết lại đến một lần, nhưng lần nào ngửi thấy mùi vẹc ni, hay mùi củ kiệu... tôi đều có cảm giác như sắp được đón Tết lần đầu vậy.


Có một tài liệu nghiên cứu viết rằng khứu giác của con người chúng ta có thể nhận biết được đến 10.000 mùi khác nhau. Phải chăng vì vậy mà chúng ta luôn bị bao vây bởi ký ức. Một mùi nước hoa ám ảnh. Mùi tóc thơm dịu dàng của cô bạn gái. Mùi khói chiều cuối năm. Mùi nhang trầm đêm Giao thừa. Mùi nếp ngâm lá dứa. Mùi củ kiệu hăng hăng. Mùi bông vạn thọ chưng trên bàn thờ... Phải chăng vì vậy, mà khi nhớ Tết quê nhà, bạn không chỉ nhớ màu mai vàng rực rỡ, đào phai thắm hồng, dưa hấu đỏ, bánh chưng xanh, mà còn nhớ cả những mùi hương nhẹ tênh mà quấn quýt mãi trong tiềm thức. Biết gọi tên những mùi hương mơ hồ ấy là gì đây - chỉ biết nó đồng nghĩa với nỗi nhớ thiết tha cái Tết quê nhà!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét