23h đêm... Bệnh viện Nhi trung ương, nước ngập lút từ ngoài cổng. Đêm mưa rào ào ạt đổ, tạt hắt những giọt u buồn. Dưới mái hiên hành lang bệnh viện, người ta nhớn nhác: “Mưa to quá, tạt ướt hết rồi!”, “Đêm nay ngủ chỗ nào bây giờ?”
Sau một hồi loay hoay tìm chỗ với một bên tay cắp mảnh chiếu lẫn vào những người nhà bệnh nhi, tôi “hạ trại” ở hành lang, phía sân trước mặt là dãy khoa Chỉnh hình, khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức.
Hành lang trước khoa cấp cứu, nước ở ngoài sân tràn cả vào. Người nhà bệnh nhân không nằm nổi, phải ngồi thu lại trên dãy ghế nhựa màu xanh. Có người ngủ gục đầu bên cạnh giỏ quần áo, những tã lót… Hành trang lỉnh kỉnh nhưng cũng chẳng nặng bằng nỗi buồn đeo đẳng. Lại gần khu hồi sức cấp cứu, ghé mình vào một mảnh chiếu nơi hai người đàn ông một già, một trẻ đang ngồi uống nước chè để cưỡng lại cơn buồn ngủ.
Cùng là cảnh nhà có người đi viện nên sự gần gũi, chia sẻ cũng đến tự nhiên hơn, cho người ta khuây khỏa. Anh Thăng (Bắc Giang) đưa đứa cháu 2 tuổi bị đuối nước đi cấp cứu. Đang mùa gặt bận bịu tối mặt mày, trưa đó cháu Đạt sang chơi. Lúc nhà dọn cơm không thấy cháu mới nháo nhào đi tìm. Bổ ra ao thì thấy chiếc cần câu nổi lềnh bềnh, vội nhảy xuống vục mò, vớt được cháu lên bờ thằng bé đã tím tái, tê dại. Đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu không thuyên giảm phải vội vàng chuyển lên viện Nhi. “Khổ lắm chú ạ, chẳng biết nhà tôi động mồ động mả gì mà nạn tật liên miên”, người đàn ông nhấp ngụm trà buồn bã kể: “Mới vừa rồi tôi đưa bố đi thay khớp, tốn hơn 300 triệu đồng.
Nhà buôn bán tí chút chẳng thấm vào đâu. Tôi cũng bị viêm tụy cấp, bệnh này chẳng lao động nặng được, cứ làm nặng là lại tiểu ra máu, kiêng khem đủ thứ, mới tập ăn cơm được 4 ngày nay thì lại phải lên viện chăm cháu. Hôm qua bác sĩ bảo cơ hội sống của thằng bé chỉ có 0,01%, mẹ nó ngất lịm đi. Ở nhà đã mua “áo” cho cháu nó rồi, chỉ chờ đưa nó về”...
Bác Khải (Bắc Ninh) lôi trong túi đồ dùng ra một chai màu xanh, lưng nước trong suốt, bảo tôi và anh Thăng: “Thôi, làm một ngụm “cao gạo” cho nó đỡ buồn cháu ạ”. Hai đứa cháu nội nhà bác Khải rủ nhau ra bờ ao chơi. Thằng anh ngã xuống nước mãi không thấy lên, thằng em ngồi trên bờ cứ ngây ngô hỏi: “Anh lặn lâu thế?”... “4 ngày cháu nó nằm viện là cả nhà thức trắng cả 4 đêm. Ngồi thế này mà cứ thấy thương cháu nó quặn cả ruột lại các chú ạ”... “Ngủ ở ngoài nhà trọ thì có tiền đâu, chợp mắt trong này một tí thì nhiều đêm bảo vệ người ta lại đuổi.
Anh Thăng tiếp lời: “Hôm trước mấy cô phụ nữ không bế được nhau từ xe ô tô vào phòng cấp cứu, thấy anh to béo nên nhờ bế giúp, mà cô y tá cứ bắt phải mặc áo vàng mới được giúp bệnh nhân. Dưới này người ta đi xe ẩu quá. Hôm anh đưa cháu Đạt lên đây cấp cứu, có ông già cứ thủng thẳng đi trước xe cứu thương mà chẳng chịu nhường đường. Bác tài xế lo cho tính mạng bệnh nhân đánh tay lái sang định vượt lên thì lại có cái xe máy khác lách vào.
Xe phanh gấp làm thằng bé Đạt nảy cả người lên, thương thằng bé ứa cả nước mắt”.
3 giờ sáng... Trời mưa nhỏ hơn. Nước ngoài sân đã rút bớt, những chiếc taxi vẫn ì oạp đưa người vào nhập viện. Dọc hành lang khoa cấp cứu, người nhà bệnh nhân mệt mỏi đi lại, mắt đỏ ngầu vì nhiều đêm không ngủ. Vài người rúc mình dưới chân cầu thang, vừa lơ mơ ngủ vừa phe phẩy đuổi muỗi, mùi cống rãnh bốc lên từ vườn cây ngoài sân cạnh đó...
Mỗi một góc chiếu, một mảnh áo mưa, vài người vạ vật, là một câu chuyện, buồn não cả lòng. Có chị ngồi vắt sữa từ hai bầu căng chảy, bên trong phòng nồng mùi thuốc, đứa con bé bỏng vài ngày tuổi của chị đang thoi thóp hơi thở yếu ớt. Nước mắt người làm mẹ chưa kịp cho con bú no đã phải đưa con đi cấp cứu lã chã chảy xuống....
5 rưỡi sáng... Buổi sáng trong lành sau một đêm mưa tầm tã. Vài gia đình lục tục xách đồ vào viện. Họ lại mang thêm từ nhà trọ vào hành lang những câu chuyện buồn. Người thì kêu giá phòng đắt đỏ thế thì chết mất thôi, ngủ hoài thì lấy tiền đâu, rồi mai cũng phải ngủ lại ở hành lang dù phải trốn, chui rúc. Có người than vãn bị móc mất điện thoại, khổ thế này mà trộm nó còn không tha.
11giờ trưa, lòng như lửa đốt, tôi gọi điện cho anh Thăng hỏi thăm về tình hình của cháu Đạt bị đuối nước đã đỡ chưa. Tai tôi ù lên: “Cháu mất sáng nay rồi em ạ!”
Thực hiện: / Nguồn: Tuổi Trẻ Thủ Đô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét