Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Tôi làm giàu ở Mỹ như thế nào?

Tôi đã tập lắng nghe điều mọi người thích nói. Còn họ nói đúng hay sai thì không quan trọng, điều quan trọng là tôi tập được thói quen biết ghi nhận và tránh phát biểu những điều mà tôi không thực sự biết. Thói quen này đã giúp tôi có "cái nhìn thực dụng". Người ta có thể nói suốt đời và nói rất giỏi, nhưng sẽ không thể làm được suốt đời và khi người ta bảo: Làm đi đừng nói vì thời gian không chờ khi bạn nói, thật là chí lý với tôi.

2. Tự tin, học hỏi, tránh người ba hoa

Tập được thói quen biết lắng nghe, biết kiềm chế phát biểu đã cho tôi "cái nhìn" và "cái nhìn" đã là chìa khoá mở cách cửa cho tôi đi đến thành công. Tôi nhìn được nhiều thứ khác nhau trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, đến tài chính, tham khảo về cổ phiếu và ảnh hưởng của chính trị với kinh tế như thế nào, và tôi chợt nhận thức được một điều là tại Mỹ: Khi một người là một con nợ của các tập đoàn tài chính thì người đó là người có sức mạnh. Chẳng thế mà những ngày đầu trên đất Mỹ, nhiều anh bạn của tôi hãnh diện khoe với bạn bè là anh ta được cấp thẻ Visa, hay Master Card và cho biết là phải khó khăn lắm mới có được, trong khi tôi đã có trong tay trên 80 thẻ tín dụng từ Visa, Master Card, Monte Blanche, tới American Express.

Để có những thẻ này chẳng có gì là khó khăn, tôi chỉ cần mở một tài khoản trong ngân hàng thì ngoài thẻ ATM, họ cũng mời tôi làm đơn xin cấp các loại thẻ khác, mà thông thường nhất là Visa và Master Card. Xin đừng vội nghĩ là các ngân hàng tốt với bạn, hay bạn là người có quyền lực mà được mời để sử dụng các loại thẻ này, chẳng qua mỗi lần bạn dùng thẻ thì ngân hàng cũng có lợi nhuận, và ngân hàng họ cần có càng nhiều người dùng thẻ càng tốt.

Ngày đó thông thường thì khi cấp thẻ các ngân hàng không buộc người sử dụng phải trả tiền “Hội viên" (Free Membership). Nhưng tín dụng thì họ cấp cho cũng chỉ ở mức cao nhất khoảng 5.000 USD và thấp nhất khoảng 1.000 USD. Những thẻ tín dụng phải trả membership do các ngân hàng lớn cấp thoạt đầu tín dụng cũng như các thẻ không phải trả tiền hội viên. Các ngân hàng căn cứ vào thời gian sử dụng thẻ và quá trình dùng thẻ của bạn, không có sơ xuất như trả nợ trễ, hay trong hồ sơ tín dụng khác không có những dấu hiệu mà ngân hàng gọi là “Bad Credit” thì tín dụng của bạn sẽ được cho cao hơn. Từ cái “nhìn" này tôi đã thấy được sức mạnh của tín dụng như thế nào, nên tôi đã xin tất cả các loại thẻ nào mà tôi có thể xin được.

Mặc dù có số lượng thẻ lên đến 80 cái, thoạt đầu chỉ là để “trả đũa mấy anh bạn hay “nổ” của tôi", nhưng một ngày tôi mới ý thức rằng tôi có cái sức mạnh tiêu dùng cùng lúc đến 275.000 USD. Dĩ nhiên sử dụng thì phải trả lại, và tôi chỉ có 25 ngày để hoàn trả mà không mất tiền lời. Và nếu phải trả số tiền tối thiểu của 80 thẻ thì chẳng có cách nào mà tôi trả nổi, nên tôi phải có chiến lược để vay và trả mà không phải trả tiền lãi, cũng như không bị trễ (late payment). Tại Mỹ khi bạn dính vào trường hợp bị "bad credit", cũng đồng nghĩa với bạn đã đánh mất 50% khả năng huy động đồng vốn khi cần, và tất cả những nhu cầu mua bán cần đến tín dụng như xe hơi, nhà cửa, bạn đều phải trả mức tiền lãi cao hơn những người có "good credit".

Tôi đã mua căn nhà đầu tiên vào năm 1979, bằng mớ tiền nhựa này, và mua tại phiên tài sản bị bán đấu giá. Căn nhà rộng 1700SF, có 4 phòng ngủ, hai phòng tắm với giá 42.000 USD, nhưng tôi phải trả hết số tiền trong vòng ba ngày. Lập tức tôi sử dụng ngay 30 thẻ tín dụng để lấy ra số tiền mặt 42.000 USD. Thanh toán xong tiền mua nhà, tôi tìm đến ngân hàng vay lại nợ để trả lại cho các thẻ tín dụng, điều mà tôi sửng sốt là mặc dù tôi mua căn nhà này với giá 42.000 USD, khi ngân hàng cho định giá để xác định mức lãi và tiền cho vay, họ định giá căn nhà tôi mua có giá thị trường đến 65.000 USD. Như vậy equity trong căn nhà tôi thặng dư đến 23.000 USD. Và với chương trình vay mua nhà: trả trước 25% hay 16.250 USD (Down Payment), tôi được vay 48.750 USD. Thực tế số tiền tôi phải có ngay để trả cho các thẻ mà tôi đã dùng chỉ có 42.000 USD, như vậy ngoài số tiền 42.000 USD phải hoàn trả, tôi vẫn còn có dư 6.750 USD. Và trong vài thập niên tôi vẫn dùng thẻ tín dụng để kinh doanh nhà đất, và trở thành Real Estate Broker. Tôi đã chọn địa ốc là môi trường hoạt động thường xuyên của tôi.

Tôi là một trong số lớn những người thành công trong giai đoạn đầu từ 1975 đến 1985. Tính đến thời điểm cuối năm 1985, tổng số trị giá tài sản của tôi lên đến trên 3 triệu USD. Và người ta nói: "Ông ấy giàu lắm! Nhưng nhà quê không biết hưởng thụ (?)". Trong khi tôi là chủ trên danh nghĩa số tài sản lên đến trên 3 triệu, nhưng số nợ ngân hàng của tôi đến trên 75% thì có gì đâu để gọi là giàu? Nhưng tôi giàu vì tín dụng, vì cho đến thời điểm này tôi đã có credit line lên đến 2.500.000 USD, và có rất nhiều bạn hữu trong ngành tài chính, ngân hàng.

Và tôi lại có thêm triết lý làm giàu nữa là: Muốn giàu phải có các bạn giàu. Vì nước chỉ chảy xuôi chứ không chảy ngược. Với giới nhà giàu họ không cần khoe khoang, và không có thời giờ cho những chuyện phiếm vô bổ. Sự thành công rất dễ làm cho con người tự tin, nhưng khi thất bại thì lòng tự tin cũng trốn mất. Cái khác biệt giữa người có bản lĩnh và không bản lĩnh: là khi sa cơ thất thế người bản lĩnh vẫn không mất tự tin, và ngược lại.

3. Có giàu cũng chớ kiêu sa

Khi được nhiều người gọi mình là người giàu có, thì chính mình phải hiểu rõ có quả thật là mình giàu không, và nếu mình giàu thật, thì mình như thế nào? Được khen giàu thì có thích nhưng thực tế mình cũng chỉ như những người chưa giàu, nếu có chăng thì thay vì đi vào chốn ăn chơi mình được cư xử tốt hơn những người chưa giàu, nhưng cái giá phải trả cao hơn người chưa giàu là hàng chục lần.

Có một ngày tôi nhận được cú phone từ một sòng bài ở Las Vegas, đề nghị cho tôi làm member của sòng bài nếu tôi tham gia. Mỗi khi đi Las Vegas sẽ có phi cơ riêng đón tôi, khách sạn không phải trả tiền và ăn uống ở những nhà hàng nổi tiếng hoàn toàn free. Nếu tôi đồng ý tham gia thì phải thỏa mãn điều kiện duy nhất: mở một tài khoản tại casino với 30 ngàn USD, để được hưởng cái vinh dự là khách VIP. Một ngày cuối tuần, tôi gọi cho Casino, sau khi xác minh mã số, tôi cho họ biết tôi muốn tham gia cuộc đen đỏ tại Las Vegas và cần có phương tiện đến đó. Họ cho biết trong hai giờ sẽ có phi cơ riêng đón tôi tại San Francisco. Tự nhiên tôi thấy mình vĩ đại, mình thuộc giới thượng lưu và mình là VIP. Đến phi trường đã có xe đón thẳng về khách sạn, phòng tôi ở có giá 800 USD/ngày, trong phòng có hoa và một chai rượu ngon để sẵn, và tất cả hoàn toàn free. Một bữa ăn có giá 400 USD, nhưng thực phẩm cũng không khác mấy với những nhà hàng mà bữa ăn tối chỉ khoảng 50 USD, và chỉ một đêm tôi đã nướng hơn 40.000 USD. Và đó là cái giá phải trả. Khi ngồi nghĩ lại, nếu không bị mồi chài bằng những thủ thuật tiếp thị, đã cho tôi cái hư danh VIP, nếu chỉ cần suy nghĩ chín chắn tôi sẽ lắc đầu khi được mời mọc. Nhưng vì có chút tiền nên tôi đã vội vã nghĩ rằng mình xứng đáng để được là VIP. Thật là điên rồ phải không các bạn.

4. Nghèo có khổ có, mới là thành nhân

Như tôi đã viết ở đoạn trên, khi có chút tiền, tôi tưởng là mình đã có nhiều, dù đã chuẩn bị tinh thần là sống thực tế, nhưng càng chuẩn bị thì càng có nhiều cơ hội cho mình phạm lỗi. Mặc dù thành công trong ngành địa ốc, nhưng tôi lại muốn dấn thân trong ngành cổ phiếu. Tôi thành công vài vụ, và thấy ngon ăn nên dốc toàn lực ăn thua đủ để rồi chưa đầy một năm sau khi bừng mắt dậy thấy mình trắng tay. Công lao 10 năm chỉ một phút bốc hơi đi mất (năm 1987).

5. Muốn giàu phải biết dấn thân

Từ một nhà “chuẩn bị triệu phú", bây giờ tôi lại là kẻ trắng tay. Nhưng thất bại không làm tôi nản chí, tôi quay lại với địa ốc. Tôi có thông tin về một thành phố ở bắc Los Angeles. Theo quốc lộ 14 dẫn đến thị xã Palmdale, ở đây có dân số vài trăm dân trên một dặm. Tôi lên kế hoạch xin giấy phép làm dự án xây dựng một Mobile Home Park với 1000 spaces. Tôi mua vài chục arces đất rừng với giá rẻ mạt và đặt làm một bảng quảng cáo có chiều cao 6 mét và chiều ngang 30 mét, với tất cả thông tin theo như dự án mà tôi xin. Và về nhà chờ người ta gọi. Chẳng phải chờ lâu chỉ trong vòng một tháng tôi có hàng trăm cú phone gọi đến và những hợp đồng mua bán liên tục diễn ra. Rồi người ta thi nhau mua đi và bán lại. Dự án không bao giờ thực hiện, nhưng đến bây giờ thì vùng đất này đã phát triển và trở thành thành phố, và vẫn có Mobile Home Park nhưng do người khác là chủ đầu tư. Và chẳng còn ai thèm nhớ đến tên tôi là kẻ khuấy động một thời của thành phố này. Và dĩ nhiên một lần nữa tôi lại từ nghèo trở thành trung lưu.

6. Biết tìm cơ hội, mới giàu nhanh thôi

Thói đời là không ai chấp nhận cái đích mà mình đã đạt được, vì không một ai lại bằng lòng với cái mà mình có và họ biện minh bằng rất nhiều lý do khác nhau để bào chữa cho cái tham vọng của mình, và tôi cũng thế. Trong 10 năm tôi tạo dựng được số vốn hàng triệu USD, thay vì chấp nhận thành quả, và sống an nhàn thụ hưởng, thì tôi lại nghĩ chỉ 10 năm mà mình đã làm được như thế này, mình nên lên kế hoạch khác cho 10 năm tới. Và từ 1985 đến 1995 dù có khôn ngoan cách mấy tôi vẫn đón nhận thất bại nhiều hơn thành công. Trận động đất năm 89 và khủng hoảng kinh tế thời kỳ đó làm tôi lại rỗng túi, và tôi lại tìm kiếm cơ hội.

Như tôi đã trình bày ở phần trên, tôi là một Real Estate Broker chuyên về thị trường nhà phát mãi (foreclosure). Tôi có thông tin về một Plaza của một Nhật Kiều đang gặp khó khăn về tài chính, và ông đang có ý định bán đi. Thay vì tôi trực tiếp tiếp cận để đề nghị làm đại diện bên bán, tôi đã tìm hiểu thói quen của người khách hàng tương lai này: vợ chết, là một người theo Phật giáo, mỗi tuần đi ăn sushi và uống rược saké. Tôi đã lần mò theo ông ta gần ba tháng để tiếp cận làm quen. Trong suốt thời gian này tôi và ông ta chỉ trao đồi về suhsi và shasimi, cho đến một ngày ông ta chính thức ngỏ lời mời tôi về thăm nhà của ông, thì tôi biết chắc ông ta sẽ là khách hàng của tôi. Cái listing của ông có trị giá 32 triệu USD, với mức hoa hồng 10% và sau 7 tháng tôi đã thành công việc bán và nhận số hoa hồng 3 triệu USD. Và cũng nhờ ông, tôi còn bán thêm được hai khu thương mại khác do các bạn ông làm chủ.

7. Tuyệt đối chớ khoe cái tôi

Sau khi bán xong cái Plaza, và nhận tiền hoa hồng, trong bữa ăn sushi ông hóm hỉnh hỏi tôi: Làm sao anh bán được cái Plaza của tôi trong khi có ít nhất 4 Brokers khác từng listes cho tôi nhưng không bán được, thế mà anh lại thành công? Và tôi cũng trả lời ông hiểm hóc không kém: vậy ông có hối hận đã trả cho tôi 10% hoa hồng không? Chúng tôi cùng cười ý nhị với nhau, tuy nhiên ông vẫn cho tôi một lời khen khác: Anh có biết là tôi rất thoải mái khi làm việc với anh, và tôi rất vui khi con trai tôi nhìn anh và hỏi: Đây là người đã bán được Plaza cho chúng ta đây sao? Còn anh thì trả lời: Không phải riêng tôi, mà còn có sự hỗ trợ của cha anh nên sự thành công có được là do kết hợp của cả hai.
Trong nhiều thương vụ, một số chuyên gia vẫn mắc phải cái “tôi” của mình, và chính vì cái "tôi" của họ đã làm cho rắc rối, đôi khi còn hỏng cả mối quan hệ cần thiết trong kinh doanh.

8. Cái gì chưa biết thì bồi đắp thêm

Trong kinh doanh, người thành công càng lớn thì cái tôi của họ cũng lớn theo, có nhiều người luôn tỏ ra mình là người uyên thâm. Nhưng thực tế thì phải xem lại, vì càng có nhiều kinh nghiệm thì tri thức cũng nhiều, và dễ dàng hơn trong việc tham khảo tư vấn cho các vấn đề liên quan đến công việc chính của mình. Vì thế tôi luôn sẵn sàng học thêm các lớp đào tạo bổ túc của các Vocational Education mở ra hàng năm cho mọi người tham gia.

9. Gặp cứng thì phải nên mềm

Nguyên thuỷ tôi là kỷ sư thiết kế phần mềm, nhưng sau vài năm làm nghề, tôi chuyển sang làm Broker địa ốc, và học tiếp để lấy Cao học. Và sau cùng lấy lớp chuyên nghành về Marketing. Và chính môi trường làm việc của Marketing đã dạy tôi rất nhiều về “Gặp cứng thì phải nên mềm”.

10. Khi nghe dịu ngọt cần phải đắn đo

Thật ra trong thương trường luôn có muôn vàn cạm bẫy, người ta cài nhau vào các thế bí, cũng như luôn sẵn sàng bán cái cho người khác để lẩn tránh trách nhiệm.


11. Làm việc không được quanh co

Hiểu được như vậy, nên tôi làm việc theo sách vở, khi cần luật, tôi tìm đến văn phòng luật sư, chứ không nghe lời các nhà tư vấn không hành nghề. Tôi cũng không tư vấn cho bất cứ ai về những lãnh vực dù là tôi biết nhưng không có bằng hành nghề cũng như không bán rẻ cái đạo đức kinh doanh (Ethic code).

12. Tránh xa chính trị, lại gần nhà bank

Trong đời sống xã hội Mỹ, làm chính trị không khó, nhưng mất nhiều thời giờ lại còn phải tạo được tiếng nói của mình, vì vậy con đường đến gần ngân hàng sẽ dài hơn con đường làm kinh tế.

Luận về cái chữ Giàu, Nghèo ở nước Mỹ, Tôi đã tự hỏi: Phải có bao nhiêu tiền mới gọi là giàu, và khi nào bị coi là nghèo? Tôi không bao giờ quên được cái giây phút tầm thường rất con người của tôi, khi được người bảo trợ đưa về nơi mà tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu. Trên chuyến đi hơn 200 dặm thì chúng tôi về đến thành phố Mobile, xe dừng lại ở một ngã tư đèn đỏ và đậu trước một quán ăn nhanh Kentucky Fry Chicken. Mùi gà nướng thơm lừng làm tôi thấy thèm khát, giống như kẻ bị bỏ đói lâu ngày và vì sĩ diện tôi đã không để lộ sự thèm khát, nhưng trong bụng tự nhủ khi nào đi làm có tiền mình sẽ ăn cho thỏa chí mới thôi.

Hôm sau, khi ở nhà có một mình, tôi đã vật lộn với cái mắy cắt cỏ, và ra sức làm sạch sẽ khu vườn rộng lớn của người bảo trợ cho tôi, từ cắt cỏ, làm vườn thật gọn ghẽ. Kết quả là người bảo lãnh cho tôi buổi chiều khi đi làm về ông ta đã tỏ ra thích thú, và nhét cho tôi 100 USD. Thế là chỉ một ngày sau khi đến thành phố này, tôi đã có 100 đô la. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải đi ăn gà nướng Kentucky. Không xe, tôi đã lủi thủi cuốc bộ hơn một dặm để đi ăn gà nướng, cái mùi thơm phức mà tôi ngửi chiều hôm trước làm tôi thấy thèm nhỏ rãi. Thế nhưng khi đến tiệm Gà Rán, tôi không còn thấy thèm. Vì với 100 đô la, tôi có thể mua được 90 xuất ăn với giá 1,25 đô la. Tôi đã không ăn và quay về. Mãi đến gần 7 năm sau tôi mới ăn bữa cánh gà đầu tiên. Tôi kể lại câu chuyện này chỉ muốn gửi đến các bạn trẻ một chút chia sẻ: mình chỉ ước mơ khi mình chưa có, và khi khả năng cho phép thì ước mơ đó chưa hẳn là vẫn còn tồn tại.
Khi các bạn tôi biết tôi “giàu” hơn họ, họ đã hỏi tôi: Làm giàu dễ hay khó? Câu trả lời chẳng dễ dàng chút nào với tôi, vì làm thế nào để định nghĩa được cái dễ và cái khó? Nhưng tôi vẫn trả lời: Chẳng khó tý nào. Nhưng xin các bạn cũng phải hiểu sâu về hai chữ “Chẳng Khó” mà tôi đang dùng. Ở trong cái nghĩa của “chẳng khó" nó cũng bao gồm những thức khuya dậy sớm và phải đổ rất nhiều mồ hôi, và trí tuệ. Và “chẳng khó khi mình hoạch định được cho mình một hướng đi, và trong hướng đi, mình cũng phải biết khi nào phải ngưng và khi nào phải tiến". Thành quả ra sao thì còn tuỳ thuộc vào kiến thức, khả năng lĩnh hội cũng như sự tháo vát của mình.

Trên mục này tôi đọc thấy có rất nhiều bạn đã than thở hay nghi kỵ về khả năng của mình. Tôi phải thành thật nói rằng các bạn đó sẽ không bao giờ giàu được, vì căn bản các bạn đó quá thiếu tự tin, thiếu kiến thức, và bất kể các bạn đó là ai, dù có học vị hay không, một khi thiếu tự tin và kiến thức thì cũng chỉ giống như những người thiếu học.

Một trong những người thành công ở Mỹ có anh David Duong, từ một người chuyên mua giấy phế thải, nay là một Tổng giám đốc của một cơ sở giải quyết vệ sinh môi trường tại Việt Nam. Hay một anh chàng khi khởi nghiệp tại Mỹ với nghề Assembly, và bây giờ là một trong những nhà cung cấp cable cho máy vi tính tại Sillicon valley. Hay một cậu bé làm nghề Office Cleanning đã trở thành Tổng giám đốc của công ty ở tuổi 19.

Tất cả những người này tôi đều quen biết, và ngoài những người này, còn rất nhiều người khác đã thành công. Các bạn sẽ hỏi: Làm thế nào để họ có thể thành công như vậy? Tôi xin thưa rằng: Những người này họ giống nhau ở một điểm: “Biết nhìn, biết lắng nghe, và biết nói”.

Tôi xin nêu ra vài trường hợp điển hình như của anh bạn làm nghề Assembly. Anh bạn này khi mới đến Mỹ bắt đầu bằng công việc lắp ráp cable cho máy vi tính, và làm việc cho hãng IBM. Trong một lần anh làm quen với một Buyer Agent, anh ta tìm hiểu về giá thành của một sợi dây nối trong hệ thống vi tính, và anh ta nhận thấy giá của các nhà phân phối cho hãng quá cao (đó là biết nhìn). Anh ta lập tức liên hệ với công ty chuyên cung cấp Cable cho nhà sản xuất và dốc túi mua vài cuộn. Anh ta làm hàng mẫu và khéo léo kết thân với Buyer Agent và chào hàng với giá rẻ mạt (biết nói). Người Buyer Agent đã thẳng thắn nói với anh ta: Tao thích mày nên mua dùm cho mày 50 sợi, nhưng tao không hứa là sẽ mua tiếp. Anh bạn này sung sướng hoàn tất 50 sợi dây trong ngày hôm sau, và tiền trao cháo múc.

Câu chuyện bán được 50 bộ dây được coi như một chuyện đùa, nhưng nó không đùa tý nào khi mục đích của anh bạn tôi là có được cái hoá đơn của hãng IBM đặt mua hàng. Chẳng có gì gọi là to lớn, nhưng sự thành công của anh ta bắt đầu từ đó. Vì khi đặt hàng, công ty luôn có hoá đơn, và cái hoá đơn dù chỉ có 50 sợi, nhưng cái hoá đơn đó có chữ IBM, và anh ta dùng cái hoá đơn này để đi chào hàng ở những hãng điện tử khác... Với một công ty dù nhỏ nhưng được một hãng lớn như IBM mua hàng thì hãng đó đã tạo được niềm tin. Và đơn đặt hàng mỗi ngày mỗi nhiều, và bây giờ anh là tổng giám đốc công ty do anh thành lập. Anh đã biết lắng nghe những yêu cầu của khách hàng và tiến đến thành công.
Câu chuyện của vị tổng giám đốc 19 tuổi cũng tương tự: khởi đầu chỉ là nhân viên quét dọn, nhưng cậu bé đã cố ghi chép tất cả địa chỉ của các công ty mà cậu phải phục vụ. Sau mỗi lần làm việc trong khi những người khác ra về thì cậu cố nán lại để gặp người quản lý để yêu cầu người này kiểm tra, bất cứ một sơ sót nào do người khác gây ra cậu ta đều tình nguyện ở lại để hoàn tất. Và đến một hôm người chủ của cậu ta bị mất hợp đồng, cậu ta đã lấy được tất cả những hợp đồng mà người chủ cũ đã đánh mất. Và dĩ nhiên là cậu ta trở thành giàu có, và chỉ hai năm sau, trên báo San Jose mercury News đã có bài viết về sự thành công của cậu này. Và tôi cũng phải xin nói rằng những vị này bây giờ đều đã tốt nghiệp ít nhất là cử nhân. Thành công là mục tiêu, nhưng để gìn giữ được nó luôn phải cần kiến thức.

Và khi viết bài này, tôi đang ở Việt Nam. Vì vậy khi đọc những bài mà một số bạn đã viết tôi thật sự ngỡ ngàng. Và cách so sánh xã hội Mỹ với xã hội Việt Nam cũng thật phiến diện.

Có bạn hỏi là nên đi Mỹ hay ở Việt Nam (?). Chẳng lẽ Toà Đại sứ Mỹ gửi thư đề nghị cho bạn được thảnh thơi leo lên máy bay tới Mỹ chăng? Có nhiều lần tôi đến Lãnh sự quán TP. HCM có các cô đã khóc ngất vì phỏng vấn thành công (!) và còn có hàng trăm người ăn chực nằm chờ để chờ phỏng vấn. Như vậy tại sao lại có bạn vẫn lên tiếng hỏi được câu này, và sự thật thì dù cho có hàng ngàn câu góp ý "Nên ở lại” thì ngày lên phi cơ bạn đó vẫn có mặt tại phi trường để nói Farawell với người thân còn ở lại.

Có một số sinh viên du học nêu lên câu hỏi: Học xong nên về Việt Nam hay ở lại? Và người hỏi lại là người có học vị Cao học. Tôi tự nhủ: Ngày trước khi tôi học xong, cầm mảnh bằng trong tay, khi nhận việc tôi không hề biết chút nào về công việc. Nhưng để trở thành nhân viên của công ty, thì ứng viên phải có trình độ mà họ yêu cầu. Vì vậy khi tốt nghiệp bạn chỉ là một sinh viên đã học xong các chương trình dành cho các chương trình mà bạn chọn. Nhưng không ai dám bảo đảm rằng khi nhận việc bạn có thể làm việc được ngay mà không cần huấn luyện.

Và khi các bạn nói rằng đã tốt nghiệp, nhưng không nói rõ bạn tốt nghiệp với loại điểm nào? Và bạn có khó khăn khi tìm được việc ở Mỹ không? Và với trình độ của một người tốt nghiệp ở Mỹ bạn thừa hiểu rằng cái học của bạn ở Mỹ chắc chắn chưa phù hợp với xã hội Việt Nam ngày nay. Mặc dù Việt Nam đang trên đà phát triển.

Có bạn còn than rằng: “Nước Mỹ không là thiên đường” tôi thấy rất đúng, vì tôi chưa nghe ai nói nước Mỹ là thiên đường cả, mà chỉ nghe nói rằng quốc gia này có nhiều cơ hội cho mọi người tiến thân. Có rất nhiều người tôi gặp đã nói: Cố sang Mỹ đi làm vài năm kiếm chút tiền rồi về lại Việt Nam làm vốn kinh doanh. Như vậy họ có đến Mỹ để tìm thiên đường đâu? Họ đến Mỹ để tìm cơ hội kiếm tiền, nhưng làm sao họ kiếm tiền được khi học vấn không có, còn ngôn ngữ thì không! Quả thật có chuyện mang tiền Mỹ về Việt Nam họ sống sung sướng vì sự chênh lêch mệnh giá của hai loại tiền, nhưng làm sao để dư được khi họ chỉ đủ sức nuôi chính họ trong xã hội Mỹ?

Và cũng không thiếu các bạn hiện sống tại Mỹ có cái nhìn rất thiển cận về Việt Nam. Dĩ nhiên giai cấp giàu nghèo thì ở đâu cũng có, tại Mỹ cũng vậy. Các bạn hãy nhìn xem cứ mỗi dịp Giáng sinh về thì tại San Francisco có bao nhiêu người chết cóng vì đói lạnh. Nhưng tôi ít nghe nói tại Việt Nam có người chết vì đói lạnh. Còn cơ hội làm giàu thì chính thời điểm này có rất nhiều cơ hội cho mọi người, làm giàu ở Việt Nam chỉ tiếc là phần lớn những người chưa giàu lại không chịu học cách để nhìn...

Nếu có bạn nào còn nghi ngờ những điều tôi viết trong bài này xin cứ liên hệ với Toà soạn của báo để có email của tôi. Tôi sẽ hướng dẫn bạn làm giàu. Làm giàu không khó lắm đâu, chỉ sợ các bạn không có cái đảm lược cần thiết để làm giàu.

Sự công bằng trong ngòi viết là cần trung thực, sự trung thực cho người đọc cái "nhìn" trung thực, và khi viết trung thực lòng ta thật thanh thản.
Nhìn vào hai xã hội khác nhau, thì không nên so sánh, từ đạo đức, văn hoá hay những cái khác, mà hãy đón nhận và bằng lòng với cái xã hội mà mình chọn. Các bạn không thể đòi hỏi xã hội Việt Nam phải văn minh như nước Mỹ, hay mang cái xã hội Mỹ làm tiêu chuẩn mẫu mực cho mọi người. Khi về Mỹ, tôi yêu quý đất nước này, nhưng khi về Việt Nam lòng tôi lại tràn ngập những yêu thương, vì đây là quê cha đất tổ. Tôi thật sự thích thú mỗi khi đi ngang một thành phố đang phát triển, tôi không khó chịu khi lái xe trên con đường bụi mù, vì phải có những bụi mù thì sự phát triển mới thành hình được.

Thân chào tất cả các bạn đã đọc bài này.

Charles
Tran

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét