Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Những câu chuyện và bài học cho cuộc sống

 Thiên đàng và Địa ngục
 Một người sùng đạo nói chuyện với Chúa “ Thưa Chúa, con rất muốn biết Thiên đường và Địa ngục như thế nào”. Chúa dẫn anh ta vào hai cái cửa...


Chúa mở cái cửa đầu tiên, người đàn ông nhìn vào.

Ở giữa phòng có một cái bàn tròn lớn. Ở giữa bàn có một nồi nước hầm bốc khói nghi ngút trông thật ngon và hấp dẫn, khiến cho người đàn ông nhỏ nước miếng.

Nhưng mọi người ngồi xung quanh bàn thì lại gầy guộc, xanh xao, cứ như là bị bỏ đói từ lâu vậy.

Mỗi người ai cũng đang cầm chiếc thìa có cán dài được buộc vào cánh tay. Họ có thể với chiếc thìa dài tới nồi nước hầm để múc, nhưng vì nó dài quá, và bị buộc vào tay, nên họ không thể cho vào miệng được.

Người đàn ông rùng mình trước cảnh tượng khổ sở như vậy. Chúa nói: “Đấy, con vừa nhìn thấy Địa ngục”.

Tiếp tục họ bước sang phòng thứ hai và mở cửa. Mọi thứ xung quanh đều giống phòng đầu tiên. Có một cái bàn tròn lớn với một nồi nước hầm hấp dẫn làm cho người đàn ông nhỏ nước miếng. Mọi người xung quanh cũng cầm cái thìa có cán dài, nhưng mọi người ở đây trông thật béo tốt, no nê, mãn nguyện, cười nói rôm rả.

Người đàn ông thắc mắc: “Con không hiểu, thưa Chúa”.

“Đơn giản thôi” - Chúa đáp - “Ở nơi này, mọi người biết cách đút cho nhau ăn”

Thông điệp không lời

Họa sĩ tài ba Vincent Van Gogh không phải lúc nào cũng cầm cọ. Ông đã từng đến làm việc tại một mỏ than ở Borinage, Bỉ. Ở đó mọi người rất quý trọng ông vì sự hiểu biết và vốn sống của ông. Những khi rảnh rỗi, ông thường được mọi người mời nói chuyện về cuộc sống. Ông nhận ra có một số người thường phản ứng khi nghe ông nói chuyện.

Ông hiểu vì cuộc sống họ quá khổ sở đến nỗi khó tin được vào lời nói của người khác. Hằng ngày nhìn những người thợ mỏ phải làm việc trong các điều kiện cơ cực triền miên mà chỉ nhận được đồng lương chết đói, gia đình họ luôn phải chạy ăn từng bữa, ông chợt thấy xót xa khi so sánh với cuộc sống tương đối sung túc của mình.

Vào một buổi tối cuối năm lạnh lẽo, trong đoàn người thợ mỏ mệt mỏi lê từng bước chân về nhà, ông thấy một ông lão chân bước xiêu vẹo băng ngang qua cánh đồng, giấu chặt người sau miếng vải bố để tìm chút hơi ấm. Van Gogh đã lấy quần áo của mình đem cho ông lão và chỉ giữ lại một bộ duy nhất. Ông quyết định sống với khẩu phần lương thực ít ỏi và phân phát tiền lương của mình cho những thợ mỏ khốn khổ ấy.

Có lần, mấy đứa trẻ của một gia đình nọ bị sốt thương hàn, tuy bản thân cũng đang sốt, Van Gogh vẫn nhường giường của mình để bọn trẻ có chỗ nằm.

Một gia đình giàu có trong vùng gợi ý dành riêng cho ông một căn phòng trống để trọ, nhưng Van Gogh từ chối lời đề nghị này. Ông nói nếu có thiện chí, gia đình đó nên giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Những người trước đây thường phản ứng với ông giờ đã hiểu và rất kính trọng ông.

Ông ý thức rất rõ rằng giữa lời nói và hành động có một sự cách biệt khá lớn. Chính cuộc sống và hành động mới là tiếng nói chân tình và ấn tượng nhất, hơn tất cả mọi lời hoa mỹ. Ông nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ nên dùng lời nói khi thật cần thiết.



Khóc than ư? Cuộc đời ngắn lắm

Một hôm thấy Mullah Nasruddin khóc không dứt, hàng xóm và bạn bè mới tụ tập quanh và hỏi tại sao. Nasruddin trả lời: “Chú tôi vừa qua đời”. Một người bạn hỏi: “Thế chú ấy có thân thiết với anh không?”...

… Nasruddin đáp: "Không thân lắm. Tôi chỉ gặp chú hồi nhỏ. Nhưng chú để lại cho tôi một trăm ngàn rupi".

Mấy người bạn đều ngạc nhiên: "Thế tại sao anh lại khóc về một người chú xa lạ như thế, lại khóc nhiều khi chú đã để lại cho anh một đống tiền như vậy?". Nasruddin trả lời: "Tôi không khóc cho chú ấy. Một người chú khác của tôi mất hôm qua".

Tức thì một người hàng xóm hỏi: "Ồ! Chắc hẳn chú ấy phải thân thiết với anh lắm. Đừng buồn, rồi ai cũng phải chết mà…". Nasruddin ngắt lời: "Tôi không khóc cho người chú đó. Chú ấy cũng để lại cho tôi một trăm ngàn rupi".

Những người bạn ngạc nhiên: "Thế thì cái gì khiến anh khóc?".

Nasruddin nói: "Một người chú khác của tôi chết ngày hôm kia. Chú ấy cũng để lại cho tôi một trăm ngàn rupi".

Những người bạn đồng thanh quở trách Nasruddin: "Hôm nay anh đã giàu hơn vì có thêm ba trăm ngàn rupi từ ba người chú họ xa. Thay vì ngồi khóc, anh phải vui lên".

Nasruddin thản nhiên đáp: "Làm sao tôi có thể vui vẻ được? Tôi khóc vì tôi không còn người chú nào khác chết đi và cho tôi thêm một trăm ngàn rupi nữa".

Giống như anh chàng Nasruddin, tất cả chúng ta đều khiến mình bất hạnh về những gì chúng ta không có hoặc không thể đạt được, thay vì hạnh phúc về những gì chúng ta đang có.

Trong cuộc sống, chúng ta có được một số thứ nhất định và không có một số thứ nhất định. Chúng ta có cuộc sống đáng quý, những mối quan hệ tốt đẹp, không khí, nước, hoa, cỏ xanh, và bầu trời xanh. Tất cả thiên nhiên đều bận rộn mang đến cho chúng ta niềm vui. Nhưng chúng ta không có thời gian chấp nhận những niềm vui này.

Thay vì đó, chúng ta lại bận rộn đếm những gì chúng ta không có: một căn nhà lớn hơn, quyền lực, chức vụ… Chúng ta quên rằng trong tương lai không xa, ta phải bỏ lại mọi thứ để sang thế giới bên kia.

Cuộc đời quá ngắn ngủi nếu ta chỉ nhăm nhăm theo đuổi những tài sản phù du. Bởi vì cuộc sống luôn chuyển động, chúng ta không thể hạnh phúc mãi với bất cứ điều gì trong một thời gian dài. Vậy thì tại sao lại héo hon vì những tài sản phù du ấy?

Translated by Xuan Vu (Dan Tri)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét