Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Nhật ký (gã) đào đường

Tháng 4, năm 200...

Mình có nên đi khám bệnh không? Khi cái ham muốn điên cuồng kia lại trỗi dậy. Sáng nay ngủ dậy còn thấy rất sảng khoái. Có con chim nhà bên cạnh hót rất vui. Rồi mình đi tắm. Lúc trong nhà tắm mình còn vừa tắm vừa hát. Khi đó mình thấy yêu cuộc đời này quá... Rồi lúc chạy xe đi làm mình cũng còn thấy vui. Thế mà khi vừa quẹo ra con đường mới, thì tất cả thay đổi. Vừa nhìn thấy mặt đường phẳng phiu mới trải nhựa xong ít ngày, xe chạy băng băng không vướng bụi, tự nhiên cái ham muốn kia bừng lên trong người mình. Nó ngùn ngụt đến mức mình tự hỏi, sao thế này? Chẳng lẽ thuốc uống suốt quý I năm nay không có tác dụng gì sao? Không, mình nghĩ rồi, đối với dạng bệnh này, thuốc chỉ có tác dụng khi "yếu tố khởi phát cơn" đừng xuất hiện nữa. Có nghĩa là đừng có những con đường mới ra đời, mặt đường đừng quá phẳng, và người đi đường đừng mang vẻ mặt quá thỏa mãn vì được thênh thang... Nhìn thấy tất cả những thứ này, Thánh cũng phải lên cơn đào bới như mình mất thôi. Mình chỉ muốn có ngay một cái xẻng trong tay, hay một cái cuốc chim cũng được, đào một cái gì đó trên đường, nhỏ cũng được, một cái lỗ cũng được, miễn ở ngay giữa cái mặt đường phẳng phiu kia...
Mình biết đào đường thế là sai. Một cái gì đi ngược lại quyền lợi của đám đông vô tội thì nói chung là sai, mình biết. Nhưng đó là bệnh, bác sĩ gọi tên nó là "ám ảnh phá hủy"; nó nằm ngoài ý muốn của mình, nó bất chấp ý muốn người khác, và mình chỉ mong nhân dân hiểu được cho là mình bị mắc cái chứng oan nghiệt này để mà tha thứ cho thôi.


Tháng 7, năm 200...

Tưởng đã đỡ sau đợt điều trị tháng tư, hóa ra kết quả lại còn đáng sợ hơn: bác sĩ nói mình chuyển sang một dạng khác của bệnh, như mặt kia của một đồng xu, có tên là "ám ảnh xây dựng".
Hình như có sự thay đổi về thị giác và ý thức vật cản. Những con đường ở Hà Nội, trước kia mình vẫn thấy nhỏ bé, xinh xắn, rất đặc trưng Hà Nội; thì từ khoảng một tháng rưỡi trở lại đây, mình thấy nó sao mà quá to, quá trống trải, lại như không có gì có thể ngăn được hai luồng xe (dù chậm) đâm sầm vào nhau. Cứ bước ra đường là mình chỉ muốn xây ngay một con lươn, xấu xí cũng được, gây chết người như chơi cũng được, nhưng phải xây ngay, xây vội vàng, cắt cho nứt đôi một con đường, cho hoa sữa rụng đều hai nửa, cho mọi thứ hẹp lại, chật chội lại, ùn tắc lại...

Trời ơi, chỉ có ngồi đây, viết lại thôi, mà cái ham muốn làm con lươn đã trỗi lên trong mình như thế này rồi, nó lại bừng bừng không khác gì cái ham muốn đào đường mấy tháng trước. Nó thiêu đốt mình, làm mình chỉ muốn lấy trộm tiền của mẹ Nhà nước, thỏa mãn cái cơn làm lươn này xong rồi muốn gì thì muốn...
Mình đâm oán mẹ. Có lẽ mẹ chiều mình quá nên mình mới thế này. Trước tất cả những cơn điên của mình, mẹ vẫn đều đặn cấp tiền ăn sáng cho mình. Mẹ phải biết rằng, không có tiền của mẹ thì cơn điên nào có điên mấy cũng phải tỉnh chứ! Chỉ trong 2 tháng, mình đã phá được 6 con đường, cày tung 3 dãy phố, và làm được 4 con lươn. Nếu nhân dân có oán, thì phải oán mẹ mình, chứ không phải mình. Ðáng lẽ mẹ mình phải theo dõi mình chặt hơn, "siết" hết các phương tiện gây án của mình, hoặc nặng hơn, như tích Tàu, mẹ phải giết mình đi mới phải.


Tháng 12, năm 200...

Không có cái gì an ủi với một người bệnh hơn là việc nhìn thấy có một thằng cũng bệnh giống hệt mình.
Hôm nay mình đi qua khu X, đã thấy một thằng cũng đang đào bới. Hình như nhà nó giàu hơn nhà mình. Mình thấy nó đông công nhân hơn, xe ủi to hơn, và đường nó đào nát hơn mà người đi qua không ai dám nói.
Nhưng giữa những người bệnh, lại còn có cả tâm lý ganh đua: tao nặng hơn mày. Thằng này mới ở giai đoạn "phá hủy". Còn mình đã bước sang giai đoạn 3: "xây rồi phá". Mình giờ có cái thú làm đường mới, làm vừa xong thì đào bới lên. Mình thích xây đường thật to để sau đó phá thật nát. Và mình thậm chí còn tìm ra những lý do chính đáng để phá thật nát. Trò chơi này tốn tiền khủng khiếp, và mình biết mẹ phải vay tiền các dì bên nước ngoài. Trò chơi này lại làm đau lòng nhân dân qua đường, nhưng họ là nhân dân, nghĩa là không dính líu gì đến mình cả.
Mình đã ở giai đoạn cuối của bệnh, mình chẳng sợ ai.
Mình chỉ sợ công an.
Nhưng có lần mình nghe trộm được mẹ nói với bố: "Ðừng lo, pháp luật nào cũng có những lý do che chở cho những thằng điên, anh ạ!"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét