Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Google “chịu phép” Trung Quốc?

(TNO) Đường chữ U bao trọn biển Đông, cùng việc phần mềm Atlas được dùng trong các trường học ở Đức ghi chú thích quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc đặt ra câu hỏi: Liệu Google có thể đã "chịu phép" Trung Quốc?

Nghiên cứu sinh ngành sinh học cấu trúc tại Viện nghiên cứu truyền nhiễm Helmholtz (Đức) Phạm Thanh Vân - người đã phát hiện việc Google Maps đăng tải bản đồ xâm hại chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và chuyển thông tin này tới Báo Thanh Niên cũng như các cá nhân, tổ chức khác.
Sau khi Thanh Niên đăng bài Google ủng hộ yêu sách phi pháp của Trung Quốc?, chị Vân đã chia sẻ những ý kiến của mình xung quanh vấn đề này. Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết ngắn của chị.
Sau khi phát hiện phần mềm Atlas được dùng trong các trường học ở Đức ghi chú thích quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, tôi chia sẻ thông tin này với một anh bạn thân người Ấn Độ. Trước đây, Ấn Độ cũng đã gặp phải vấn đề tương tự trong tranh chấp với Trung Quốc.
Anh ấy đã lập tức hỏi tôi về Google Maps. Qua đó, tôi phát hiện ra rằng trên trang chủ Google Maps dùng cho toàn cầu (maps.google.com), địa chỉ của quần đảo Hoàng Sa đã được chú thích là thuộc Trung Quốc.
Sự ghi chú này rõ ràng khiến cho người dân của Trung Quốc và các nước hiểu sai rằng Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc, và như thế là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Sự ghi chú sai và vô trách nhiệm này có thể góp phần làm gia tăng những căng thẳng và hiểu lầm không đáng có, trong bối cảnh mọi tranh chấp cần phải được giải quyết một cách duy lý và khoa học để đảm bảo công bằng và hòa bình cho khu vực.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong phiên bản tiếng Hoa của Google Maps (ditu.google.com), đường chữ U bao trọn biển Đông hiện vẫn đang tồn tại đầy thách thức, và Google đã không chịu gỡ bỏ khi cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới gửi thư yêu cầu.
Hai việc điển hình như trên cho thấy Google có thể đã "chịu phép" bởi Trung Quốc. Vì Google là một công ty, rất có thể sự ảnh hưởng này liên quan tới lợi nhuận trong việc làm ăn với Trung Quốc.
Tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam cần phải lên tiếng phản đối sự sai trái nghiêm trọng này, và mong các nhà báo sẽ tích cực hơn trong việc đề xuất, chuyển tải thông tin tới Chính phủ.
Được biết, năm 2010, cũng có một sai sót tương tự trên tấm bản đồ được xuất bản bởi National Geographic. Khi đó, nhiều tờ báo, trong đó có Thanh Niên, đã có vai trò không nhỏ làm cầu nối thông tin với Chính phủ, dẫn tới kết quả là National Geographic đã phải sửa lại tấm bản đồ.
Việc yêu cầu Google gỡ bỏ sai trái của họ trên bản đồ sẽ khó khăn hơn vì nó liên quan đến lợi nhuận của họ. Tiếng nói của một vài cá nhân sẽ ít có tác dụng. Mặt khác chúng ta cũng biết google.com hiện là trang web có số người truy cập đứng số 1 thế giới. Bởi vậy nhất thiết phải có sự lên tiếng của Chính phủ Việt Nam.
Theo Phạm Thanh Vân 
Thanh niên Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét