Vào đêm 27 rạng ngày 28/12/1925, nhà thơ Nga nổi tiếng Sergei Esenin đã thắt cổ tự tử tại khách sạn Angleter ở Leningrad. Sự ra đi đột ngột và bí ẩn của nhà thơ ở tuổi 30, khi tài năng sáng tạo của ông đang ở độ sung mãn nhất, cho đến nay, sau 86 năm vẫn là đề tài của những cuộc tranh luận không dứt về nguyên nhân gây nên cái chết đầy bi kịch của một trong những thiên tài thi ca chói lọi nhất của nước Nga. Những ý kiến khác nhau chung quy đều tập trung vào hai loại giả thuyết: Esenin tự tử hay bị sát hại?
Tính cách phức tạp và đầy mâu thuẫn của thi nhân
Có thể nói từ những bài thơ đầu tiên, Esenin đã thể hiện tình yêu say đắm thiên nhiên và đời sống nông thôn Nga. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ E. Evtushenko đã coi Esenin là nhà thơ “thấm đẫm chất Nga nhất”. Tuy nhiên, trong thơ Esenin vẫn thấp thoáng nỗi buồn nhớ về quá khứ, nỗi lo lắng cho lối sống nông thôn thuần khiết đang mất dần sau nhiều biến động xã hội. Khi thất vọng, ông lại rơi vào sai lầm ở cực khác khi quan niệm rằng xã hội tương lai sẽ là một vương quốc của kỹ thuật máy móc, của công cụ sản xuất, sẽ lấn át đi những gì tinh tế trong tâm hồn con người, từ đó dẫn đến tâm trạng buồn chán, thất vọng. Đấy là thời kỳ khủng hoảng lớn nhất của Esenin. Nhà thơ buông thả theo lối sống phiêu lãng, phóng túng, rượu chè be bét, luôn cảm thấy cô đơn và sa vào trạng thái trầm cảm nặng nề. Ông có những lúc không làm chủ được mình, đã đập phá cốc chén, đồ đạc, từng định nhảy ra ngoài cửa sổ, từng lấy mảnh thủy tinh cắt động mạch, từng lấy dao mổ bụng, từng nằm ngay trên đường sắt...Từ những hành động thiếu kiềm chế và liều lĩnh ấy, đến chỗ treo cổ tự sát - khoảng cách chỉ là gang tấc.
Nhà thơ Sergei Esenin khi mất. |
Bi kịch trong tình yêu khiến nhà thơ tìm đến với cái chết
Được trời phú cho một thi tài bột phát và một nét đẹp thuần Nga, sinh thời, Esenin được hưởng sự ưu ái đặc biệt của nữ giới. Trong số những mối tình mà phái đẹp dâng hiến cho chàng thi sĩ tỉnh lẻ đào hoa lên thủ đô Moskva lập nghiệp, trước hết phải kể đến cuộc tình bão táp giữa Esenin và nàng vũ công Hoa Kỳ nổi tiếng Duncan Isadora.Mùa hè năm 1921, Duncan Isadora sang Nga theo lời mời của Chính phủ Liên Xô để mở một trường dạy múa cho trẻ em. Trong một cuộc tiếp tân được tổ chức để chào mừng nàng, Duncan Isadora đã gặp Esenin và cuộc tình sét đánh giữa họ lập tức nảy nở. Hai người đã đăng ký kết hôn ngày 2/5/1922 và ngay sau đó họ thực hiện một chuyến viễn du dài ngày qua một số nước Âu - Mỹ. Nhưng do sự quá chênh lệch về tuổi tác (vào thời điểm hai người quen biết nhau thì Esenin 26 tuổi, còn Duncan Isadora đã 43), do sự bất đồng về ngôn ngữ - Esenin chỉ nói được tiếng Nga, còn Duncan thì nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức - và cũng do sự khác biệt về tính cách, nên sau khi trở về Nga vào tháng 8/1923, hai người đã chia tay nhau và Duncan đã rời khỏi nước Nga.
Còn Esenin thì quay trở lại với người tình cũ là Galina Benislavskaja vốn rất mực yêu thương chàng. Với Esenin, nàng không là gì mà cũng là tất cả: là bạn, là người giúp việc, là người tình, là nhũ mẫu. Nàng nhiều lần phải cất công đi tìm người tình lãng tử của mình khắp các quán rượu và quán nhậu để tha chàng về nhà mình trong trạng thái say xỉn. Chàng sống ở chỗ nàng và đến tận khi chết vẫn không có một nơi cư trú, một chốn riêng tư của mình. Nhưng hai người chung sống chẳng được bao lâu, rồi chàng một lần nữa lại kết hôn, lần này với cô cháu gái của đại văn hào Lev Tolstoi là Sofia Andreevna Tolstaja, một người phụ nữ tuy không có nhan sắc mặn mà nhưng đã dành trọn trái tim của mình cho Esenin. Nhưng rồi vẫn do sự trục trặc trong tính cách, nhà thơ - một con ngựa bất kham trên tình trường cũng chia tay với Sofia trước chuyến đi định mệnh đến Leenin-gad vào tháng 12/1925.
Tự tử hay bị sát hại?
Bên cạnh những giả thuyết về sự tự vẫn của Esenin, trong gần một thế kỷ qua vẫn tồn tại, lúc ngấm ngầm, lúc công khai, một loại giả thuyết khác cho rằng nhà thơ trữ tình lỗi lạc của nước Nga không phải quyên sinh mà là bị sát hại. Giả thuyết này đã hình thành ngay sau cái chết của Esenin, bất chấp lời cáo phó của các nhà chức trách Nga thông báo rằng “nhà thơ Esenin do tinh thần sầu muộn, trạng thái tâm lý mất cân bằng nên trong cơn tuyệt vọng đã treo cổ tự tử”.Tờ báo Slovo (Ngôn luận) hồi đó lập tức đã loan tin về việc Esenin bị giết. Nhà văn Boris Lavrenev trong bài điếu tang đã kêu gọi “vạch mặt chỉ tên bọn đao phủ và những tên sát nhân”. Thậm chí, một cuốn sách mang tên Vụ mưu sát Esenin đã được xuất bản.
Lại nữa, theo giáo luật của đạo chính thống thì việc làm lễ cầu hồn cho người tự tử là bị cấm. Thế nhưng, hồi đó người ta đã làm lễ cầu hồn cho Esenin tại nhà thờ ở làng quê ông. Còn vào ngày 3/10/1991, nhân ngày sinh của Esenin, một lễ cầu siêu long trọng được chính thức tổ chức ở Moskva, Leningrad và Konstantinov. Đó là thêm một bằng chứng nữa về việc nhà thơ bị ám hại.
Ngoài ra, trên những tấm ảnh chụp Esenin sau khi chết, người ta thấy rõ vết bầm dập trên khuôn mặt phần nào bị biến dạng và vết thương trên cánh tay chứng tỏ có một ngoại lực tác động vào. Hơn nữa, trên bức ảnh còn có thể nhìn thấy một vết lằn nằm ngang ở nơi cổ. Theo ý kiến của bác sĩ pháp y thì vết lằn phải nằm dọc mới phù hợp với tư thế treo cổ. Điều này chứng tỏ nhà thơ bị siết cổ đến chết bằng dây thừng từ phía sau.
Nhưng ai là hung thủ đang tay hạ sát nhà thơ vô tội? Và nhằm mục đích gì? Đây vẫn đang là một câu hỏi bỏ ngỏ, một điều bí ẩn khiến giới khoa học hình sự còn phải tốn nhiều công sức để có thể đưa ra lời giải đáp thỏa đáng.
Lê Sơn (tổng hợp)
Báo Sức khỏe và Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét