Buổi trưa ở nhà Nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa của thành phố Cần Thơ trên đường Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Bình Thuỷ, không khí thật yên ắng. Bác sĩ Phan Ngọc Sơn, phó giám đốc, nói sau 11 giờ các cụ nghỉ ngơi, xem tivi. Ở một góc hành lang, hai cụ bà Bùi Thị Bảy (77 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Nga (68 tuổi) vừa chậm rãi ăn cơm vừa rì rầm trò chuyện.
Cụ Bảy và cụ Nga, hai trong số những cụ sống lâu nhất ở nhà Nuôi dưỡng người già thành phố Cần Thơ, vui vẻ bên bữa cơm trưa.
Thấy có khách, hai cụ già hớn hở chào hỏi như trẻ đón người thân đi xa mới về. Bác sĩ Sơn nói, hai bà cụ đều là “cựu binh” của nhà Nuôi dưỡng, ở đây từ năm 1993, gặp ai vô thăm cũng mừng.
Những cảnh đời
Cụ Bảy và cụ Nga nói, các cụ ở đây lâu rồi nên không nhớ quê quán ở đâu, chỉ biết trong ngôi nhà chung dành cho người già vui hơn ngoài đời. “Ở đây có cơm ăn, áo mặc, đau bệnh có bác sĩ lo từng viên thuốc, không phải làm việc nặng nhọc để kiếm từng chén cơm như trước, vui lắm”, cụ Bảy dáng người hom hem, hai mắt không còn nhìn rõ, nói.
Bác sĩ Sơn cho biết hiện nơi đây đang chăm sóc cho 65 cụ ông, cụ bà. Người tuổi cao nhất là cụ Phiêu Thị Biếu, sinh năm 1914, vào đây từ năm 1993. Một phần tư các cụ đã rất già yếu, hàng ngày đều phải có hộ lý chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân. Mỗi cụ già là một số phận, một hoàn cảnh đầy bi kịch. “Không phải cụ nào cũng vô gia cư, không con cháu, có người vì một lý do nào đó mà người thân đưa các cụ vào đây cho… rảnh nợ”, bác sĩ Sơn cho biết.
Những nhân viên của căn nhà này không ai quên trường hợp của cụ bà Lương Thị Hoành, sinh năm 1925 ở phường An Nghiệp, thành phố Cần Thơ. Tháng 3/2003 cụ Hoành được các bác sĩ của trung tâm y tế Cần Thơ đưa vào vì không có con cháu nuôi dưỡng và mắc thêm căn bệnh xơ gan cổ trướng, tiểu đường giai đoạn cuối.
Ngày 29/4/2003 cụ Hoành qua đời. Trong lúc nhà Nuôi dưỡng làm đám tang cho cụ theo đúng lễ nghi, thủ tục thì hai người con của cụ Hoành đột ngột xuất hiện, trong đó có một người là Việt kiều rất giàu có, sang trọng. Ngày đưa tang cụ, ông con Việt kiều chẳng buồn dòm ngó dù đang ở Việt Nam, còn đứa con gái chỉ đến… nhìn chiếu lệ một cái rồi thản nhiên ra về.
Tương tự trường hợp cụ Trần Thị Sửu (1939) ở thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) vào đây hồi tháng 4/2001 với dáng vẻ rất tiều tuỵ, khổ sở. Cụ tự khai là không con cái, vô gia cư, bệnh tật nên xin vào đây tá túc và trong suốt thời gian cụ ở đây cũng chẳng thấy ai đến viếng thăm.
Tháng 4/2003 cụ Sửu qua đời, trong lúc cả tập thể nhà Nuôi dưỡng bận tối mắt tối mũi lo tang ma thì không biết từ đâu một đoàn người kéo tới, tự nhận là con cháu của cụ và lớn tiếng trách móc cán bộ, nhân viên là tại sao cụ Sửu vào đây tá túc mà không… thông báo cho gia đình, chẳng thấy ai nói gì đến chuyện tang ma.
Trường hợp của cụ bà Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1918 ở Nhơn Ai, Châu Thành bi đát hơn. Cụ Thắm con cái rất đông nhưng không sống được với ai và thường xuyên bị ngược đãi nên rất khổ sở, phải xin vào ở trong nhà Nuôi dưỡng. Khổ nỗi, nơi này chỉ nhận những cụ già vô gia cư, không con cái nên trường hợp cụ Thắm phải đưa trở về gia đình. Vậy mà chỉ vài hôm cụ lại trở vào, khóc lóc năn nỉ hết người này đến người khác cho cụ tá túc vì không thể chịu nổi cách hành xử, đối đãi của con cháu. Cám cảnh, ban giám đốc nhà Nuôi dưỡng phải cho cụ ở lại.
Đặc biệt nhất có lẽ là trường hợp của cụ bà Võ Thị Hưởng sinh năm 1927 ở Ô Môn, Cần Thơ vào đây từ năm 1994 vì con cái không chịu nuôi dưỡng. Cụ Hưởng đến nhưng lại dẫn theo một cô cháu gái và nhà Nuôi dưỡng phải nuôi nấng, chăm sóc cả hai bà cháu.
Lực bất tòng tâm
Theo những nhân viên nhà Nuôi dưỡng, do hiện nay nơi đây chỉ có thể cùng lúc tiếp nhận, chăm sóc 70 cụ già nên gần đây có quy định chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc các cụ già không còn con cháu, không nơi nương tựa, có xác nhận của địa phương. Vì vậy nhiều cụ sống trong này lâu năm cố hết sức để giấu tung tích gia đình, quê quán vì sợ ban giám đốc trả về và một lần nữa lại phải đối mặt với sự ngược đãi của con cái hoặc bị bỏ rơi.
Bác sĩ Sơn cho biết, từ ngày thành lập vào tháng 11/1993 đến nay nhà Nuôi dưỡng đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc gần 200 cụ già ở thành phố Cần Thơ và các địa phương lân cận.
72 cụ đã sinh sống tại đây và qua đời trong sự chở che, đùm bọc của 13 cán bộ, công nhân viên và những người bạn già cùng cảnh ngộ bất hạnh.
Theo bác sĩ Sơn, hiện nay với sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong, ngoài nước và ngân sách của thành phố, bữa ăn của các cụ đã được cải thiện.
“Mỗi ngày các cụ có ba bữa ăn, tiền ăn 8.000 đồng/ngày do ngân sách thành phố đài thọ. Gạo, nhu yếu phẩm, quần áo, mùng mền… đều do các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm khắp nơi đóng góp, trao tặng. Mỗi khi có một cụ qua đời, nhà Nuôi dưỡng tổ chức tang ma chu đáo, đưa thi hài đi hoả thiêu và gửi tro cốt vào chùa để các cụ được siêu thoát.
Chúng tôi biết ngoài đời còn rất nhiều những cụ già trong hoàn cảnh bị con cháu ngược đãi, không nơi nương tựa, nhưng khả năng ở đây có hạn. Chính vì vậy mà quy định, thủ tục tiếp nhận các cụ mới khắt khe đến vậy. Mới đây UBND thành phố Cần Thơ đã chấp thuận cho mở rộng, xây mới nhà Nuôi dưỡng người già để đến năm 2012 có thể cùng lúc tiếp nhận từ 200 cụ già trở lên”, bác sĩ Sơn nói.
Số phận nào cũng nghiệt ngã
Trước khi ra về, tôi đến thắp một nén nhang trên bàn thờ chung các cụ đã sống và tạ thế ở nhà Nuôi dưỡng người già. 72 bảng tên bài vị im lặng trên bàn thờ chung, nhưng phía sau những tấm bảng nhỏ nhoi ấy là số phận bi đát của một kiếp người. Bên dưới bài vị chung có một dòng chữ nao lòng: “Mỗi mảnh đời là một số phận, số phận nào cũng có cái nghiệt ngã riêng của nó”. Quả vậy, không gia đình, không con cái khi tuổi già xế bóng đã là một nghiệt ngã của cuộc đời nhưng bị con cái bỏ rơi, hắt hủi, bạc đãi có lẽ còn nghiệt ngã hơn.
Theo Hùng Anh
Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét