Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Sự vô cảm đang giết chết nhân cách con người

Hồi học Đại học tôi vẫn còn nhớ Giáo sư Trần Quốc Vượng khi đó dạy chúng tôi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam có nói về 2 từ "con người", thầy nói dài lắm nhưng đại khái con người sở dĩ khác con vật là có tính người, nghĩa là biết phân biệt phải trái đúng sai, biết giúp đỡ nhau khi khó khăn. Giờ thì thầy đã thành người thiên cổ rồi nhưng những lời giảng của thầy tôi vẫn nhớ mãi.

Thế nhưng giờ đây, khi thường xuyên tiếp cận với các luồng thông tin từ nhiều phía tôi mới thấy rằng: giờ đây con người ta vô cảm thật. Những vụ giết người man rợ, những vụ hiếp dâm có tính loạn luân ngày càng gia tăng. Đó là ở góc độ tội phạm, còn bên ngoài cuộc sống thì sao?

Những gì đã từng xảy ra bên ngoài cuộc sống làm tôi tự khẳng định một điều: sự thờ ơ và vô cảm đang ngày càng gia tăng trong xã hội và trong các gia đình. Một người bị tai nạn nằm giữa đường nhiều người đi qua cũng mặc kệ, họ không vào cứu nạn nhân hay đưa nạn nhân đi bệnh viện mà chỉ đứng từ xa hỏi chuyện những người xung quanh và nhìn vào. Nhiều người nói rằng đừng có dại mà dây vào vì biết đâu công an tưởng mình chứng kiến họ gọi đi làm chứng thì mệt lắm. Thậm chí có người cố len lỏi vào để nhìn cái biển số xe để xin số đánh đề.
Bà cụ bán rau trong câu chuyện đầy nước mắt trên Face book đã chết trong một chiều mưa gió

Rồi những đứa trẻ lang thang, những cụ già nhiều tuổi đi xin ăn nhiều người đã không cho còn mắng mỏ dù người ta đáng tuổi cha mẹ, ông bà của mình.Một nhà sư từng nói với tôi " người ăn xin họ khổ, họ mất danh dự để đi kiếm miếng ăn, mình cho người ta là mình gửi phúc người ta giữ hộ mình con ạ. Vì thế đừng bao giờ coi thường người ta và có cho tiền thì cũng phải đưa bằng hai tay chứ đừng ném xuống đất". Lời sư thầy đó luông văng vẳng bên tai tôi mỗi khi tôi gặp bất cứ người ăn xin nào.
Một nữ sinh bị đánh đến ngất mà không ai vào can ngăn ( ảnh VOV giao thông)

Sự vô cảm còn thể hiện ở lĩnh vực oan sai, nhiều người trong cơ quan, trong khu phố biết rõ 100% đồng nghiệp, láng giềng nhà mình bị oan nhưng chẳng ai dám công khai ủng hộ, thậm chí họ còn xa lánh vì sợ bị làm phiền. 

Trong gia đình, sự vô cảm thể hiện ở chỗ nhiều cha mẹ chẳng quan tâm con sống như thế nào, học hành ra sao, chỉ biết kiếm tiền và cho tiền. Bữa ăn gia đình người Việt ngày càng không quan trọng nữa khi các thành viên đã quen với việc ăn quán và về nhà chỉ có đi ngủ. Nhà cửa ngày càng to và rộng nhưng tình yêu thương sự quan tâm ngày càng nhỏ và hẹp đi nhiều. Đến khi con cái phạm tội bố mẹ mới ân hận không quan tâm giáo dục con thì đã muộn mất rồi.

Cách đây không lâu, xuất hiện 1 kẻ đã gây ra vụ tai nạn làm chết người còn lên mạng khoe thành tích và chửi mắng nạn nhân vì làm ...lỡ hết việc của hắn. Cộng đồng mạng lên tiếng phản đối nhưng nếu thằng đó mặc bộ đồ hầm hố, xăm trổ đầy mình ngồi quán nước ven đường và tuyên bố câu đó thì chắc chắn không ai dám nói gì.

Có lần ngồi tranh luận với mấy người bạn về sự vô cảm ngày càng tăng trong xã hội nước ta thì hầu hết chúng tôi đều có chung nhận định: đó là sợ phiền phức, sợ trách nhiệm, và một số thì cũng vì tính ích kỷ mãn tính của mình ăn sâu trong máu thịt rồi?

Càng ngày chúng ta càng hèn đi, càng không dám nói thẳng nói thật, không dám xả thân vì nghĩa lớn. Bởi cũng đúng như nhiều chuyên gia đã từng nói: khi khoa học tự nhiên và kinh tế phát triển mà khoa học nhân văn ngày càng yếu đi thì tình người sẽ ít, sự vô cảm sẽ tăng và con người hành xử với nhau theo bản năng nhiều hơn.

Thiết nghĩ, bất kỳ ai đó trong giây phút nhìn lại mình hãy thử hình dung bản thân mình, bố mẹ mình, con cái mình mà gặp những điều không may mắn, những điều oan ức mà khi ta không có mặt bên cạnh họ nhưng không ai giúp đỡ, bênh vực, bảo vệ...thì sẽ như thế nào?

Tố Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét