Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Mày có dám viết thật không? hay chỉ viết theo tưởng tượng?

Đã lâu lắm rồi trong đầu tôi vẫn còn ám ảnh bởi câu hỏi của ông già bán nước. Đó là một buổi chiều cuối thu năm 2010 tôi thấy buồn buồn lấy xe chạy lang thang trên các con phố của Hà Nội. Hà Nội vào thu trời đẹp quá, thành phố thật bình yên. 
Tôi tại vào 1 quán nước ven đường nhâm nhi chén trà nóng ngắm người qua lại, trong lòng thấy nhẹ nhõm, tinh thần thấy vui hơn.
Tôi quan sát ông lão chủ quán nước chè, có lẽ ông này cũng là thành phần trí thức, nhìn cách ông nói năng với khách tỏ ra là một người có học. Tôi bắt chuyện:
- Ông bán nước ở đây lâu chưa?
- Tao bán nước ở đây hơn 10 năm rồi, già rồi chẳng biết làm gì ra đây ngồi cho nó khuây khỏa, vừa kiếm đồng tiền nuôi miệng con cái nó đỡ lườm nguýt, vừa nghe ngóng tìm hiểu dân tình thế thái xem nó thế nào?
- Thế ông đã tìm hiểu được cái gì chưa?
- Ôi, nhiều chứ, chỗ này là thông tấn xã vỉa hè, tin gì hot thì ở đây cũng biết hết, mà dăm ba cái chuyện cướp hiếp giết tao chẳng buồn nghe, sao người ta không viết nguyên nhân vì sao và giải pháp thế nào để hạn chế những chuyện đó mày nhì?
- Dạ, tại giờ người ta chỉ quan tâm đến những cái nóng hổi, những cái sốt xình xịch thôi ông ạ, không như thế thì ai người ta mua báo.
- Mà kể ra cũng lạ, nhiều cái chuyện nó giống nhau nhưng mỗi thằng nó viết một kiểu đọc nhiều chẳng biết thằng nào nói đúng, thằng nào nói sai, nhìn mày cũng có vẻ tri thức, có viết lách gì không đó?
- Dạ, cháu thỉnh thoảng cũng viết lách ông ạ, văn nghệ thôi!
- Cũng viết lách à? thế "lề trái" hay "lề phải"?
- Cháu chẳng thuộc "lề" nào ông ạ, cháu viết cái gì cháu thích thôi, không bình luận chính trị.
- Mày có dám viết thật không? Hay chỉ viết theo tưởng tượng?
- Cháu chỉ viết theo tưởng tượng thôi ông ạ, bố bảo cháu cũng không dám viết thật dù nhiều khi cháu rất muốn. Thằng bạn cháu nó làm cơ quan nhà nước nó bảo: "ở nước mình mày muốn nói gì ở quán bia thì thoải mái, đừng có viết lách, lưu trữ phát tán trên mạng là phiền lắm đó".
- Ừ, thằng đó nó nói đúng đó mày ạ, vớ vẩn là dính điều 88 như chơi, tao cũng thích viết nhưng già rồi, với lại giờ mà viết không cẩn thận thì đến chỗ bán nước cũng chẳng có mà ngồi mày ạ.

Hai ông cháu trò chuyện khá lâu, hóa ra ông cũng từng là một kỹ sư chế tạo máy đã có một thời gian dài làm trong cơ quan nhà nước nhưng chưa được kết nạp Đảng. Ông bảo tính ông ngang như cua, lại hay bộc trực nói thẳng, nói thật nên nhiều thằng nó ghét. Ông cười ha hả: - Cái thằng cấp trên của tao ngày xưa đi học nó nhìn bài tao suốt thế mà về cơ quan nó "đì" tao không ngóc đầu lên được. Nhắc đến chuyện xưa thấy ông có vẻ buồn buồn, ông tháo cái kính trắng, lấy tay quyệt ngang mắt, hình như ông khóc. Tôi an ủi:
- Thôi ông ạ, đời nó thế mà, "thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, Luồn lách, lươn lẹo lại leo lên" bạn cháu nó vẫn hay nói câu này đấy ông ạ. Thôi cháu về đây khi nào rảnh cháu ghé qua thăm ông.
- Ừ, Mày về đi, dân trí thức trí ngủ gì mà chẳng có tư tưởng rõ ràng gì cả, viết lách như mày xếp bút ra chợ bán rau cho nó lành con ạ. Chứ viết mà không dám nói thật thì đừng viết nữa tốn giấy.


Tôi thấy sống mũi cay cay, rút tiền trả ông không lấy, tôi dắt vội xe xuống đường lên xe phóng như bị ma đuổi.


Thời gian sau đó khoảng hơn một năm tôi đi ngang qua hàng nước của ông già, không thấy ông đâu, thấy người phụ nữ trung tuổi bán hàng ở chỗ đó tôi liền ghé vào:
- Cho em xin chén trà nóng chị ơi!
- Nước của chú đây, chú uống nước đi.
- Chị cho em hỏi, ông già bán nước ở đây đâu rồi hả chị?
- Ông ấy chết rồi chú ạ, nghe đâu trong một đêm mưa bão ông ấy cứ ngồi trên bàn làm việc viết lách cái gì đó đến gần sáng người nhà gọi không thấy nói gì, đưa đến bệnh viện thì các bác sĩ bảo là ông ấy chết rồi, chết vì nhồi máu cơ tim.

Tai tôi ù đi, lòng buồn vời vợi, bên tai tôi vẫn văng vẳng câu nói của ông già:
- Mày có dám viết thật không? Hay chỉ viết theo tưởng tượng?


Tôi trả tiền nước rồi đứng dậy lấy xe chạy đi vội vàng, Hà nội trời đã vào đông rồi, lạnh thật.


Tố Thanh, tháng 12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét