Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Điểm tựa của niềm tin và hy vọng?

Theo từ điển tiếng Việt của Viện từ điển và Bách khoa thư Việt Nam thì: Niềm tin là hệ thống những tri thức, nhận thức, quan điểm về tự nhiên, xã hội, con người, được chủ thể trực tiếp trải nghiệm và xác nhận tính đúng đắn, chân thực của chúng, tự mình mong muốn thực hiện chúng trong cuộc sống, thành điểm tựa tinh thần của mỗi người. Niềm tin được hình thành trong giao tiếp, trong quan hệ xã hội, trong cuộc đấu tranh với những quan điểm trái ngược và chống lại niềm tin đó. 
 Như vậy xét ở góc độ khoa học thì niềm tin có những tiêu chí kiểm định, trải nghiệm và đánh giá từ những dữ liệu những sự việc, những vấn đề gồm cả chủ quan và khách quan, từ đó mới khẳng định rằng mình có niềm tin hay không? có tin hay không?

 Nếu không có niềm tin, bạn sẽ chẳng làm được gì cả, bạn không tin vào mình, không tin và bạn bè, người thân, không tin vào xã hội thì bạn trở thành một người bi quan. Nhưng khi ta có niềm tin vào ai đó, hay một sự việc nào đó thì ta sẽ yên tâm gửi gắm niềm hy vọng nơi họ về công việc, sự nghiệp, tiền bạc hay tinh thần.


Chúng ta có thời niên thiếu, có thời đi học, có niềm tin vào sự bền vững của những tình bạn đẹp, ta luôn hy vọng tình cảm đó sẽ còn mãi, đẹp mãi, ta và bạn sẽ sống tốt với nhau, sẽ giúp đỡ nhau trong cuộc sống cả về vật chất và tinh thần.


Nhưng khi trải nghiệm cuộc sống, rời xa mái trường thì ý niệm về tình bạn trong ta có sự thay đổi, ai cũng có những lo nghĩ riêng, công việc riêng, gia đình riêng nên sự quan tâm và gần gũi lúc đó bị hạn chế, lúc đó mọi sự quan tâm và niềm tin người ta gửi gắm cho gia đình của mình.


Khi ta khó khăn, gia đình là nơi ta gửi gắm niềm tin nhiều nhất, các thành viên trong gia đình như bố mẹ, anh chị em, vợ con sẽ là những người giúp đỡ và che chở cho ta đầu tiên. Con người ai cũng có những sự sai lầm bởi trong ý thức hệ của mỗi người thì đúng sai khác nhau, mục tiêu sống khác nhau, văn hóa ứng xử cũng khác nhau từ đó cũng hình thành cách hành xử hay giải quyết vấn đề khác nhau. Khi ta sai, người thân có thể trách ta nhiều nhất, cũng có thể chửi mắng ta nhiều nhất nhưng sự quan tâm và chia sẻ của họ dành cho ta cũng nhiều nhất. Từ đó, ta có niềm tin để mà tiếp tục cố gắng, sửa chữa lỗi lầm và cải thiện tình hình thông qua việc nỗ lực giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi sai lầm do ta gây ra.


Nhưng khi gia đình cũng không thể làm gì để giúp ta được, bạn bè cũng vậy thì ta sẽ có sự nhìn nhận bi quan và giải quyết vấn đề một cách tiêu cực. Ta độc đoán và kết luận vội vàng nhiều vấn đề thuộc về phạm trù niềm tin và ta trở nên bất mãn, buông xuôi.


Cuộc sống con người ta rất ngắn ngủi, những ngày tháng hạnh phúc, vinh quang chỉ đếm trên đầu ngón tay, và còn lại gì khi niềm tin đã mất: mọi người không tin ta, ta không tin mọi người nữa thì lúc đó sống chẳng còn ý nghĩa gì cả, những ngày tháng sau đó là sự nghi kỵ, mặc cảm, sự tồn tại vô thức đó khiến ta gục gã bất cứ lúc nào.


Xã hội ngày càng nhiều người mất niềm tin: mất niềm tin vào bản thân mình, vào người thân, bạn bè, vào nhà nước, xã hội...tội phạm ngày càng tăng, cấu trúc gia đình ngày càng thiếu bền vững, luân thường đạo lý bị tổn thương nghiêm trọng, tính tự nhiên ngày càng cao trong khi tính xã hội ở mỗi người càng ngày càng giảm.


Niềm tin và hy vọng luôn đi bên cạnh nhau, có niềm tin thì mới có hy vọng, có hy vọng thì mới có niềm tin. Khi ta mất một trong hai thứ đó thì ta đang sống đời sống thực vật, ta vô cảm với mọi thứ và ta đã thực sự chết trong khi ta đang sống. 


Đôi lúc, ngồi bần thần tự đánh giá lại những gì liên quan đến mình, đến niềm tin và hy vọng của mình mới chợt nhận ra rằng: niềm tin và hy vọng đang sắp mất, phần còn lại của nó thực sự rất mong manh, rồi vu vơ nghĩ rằng: phải chăng mình sắp chết?
Tố Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét