Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Chuẩn bị công chiếu phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long"

(NHN) Cuối cùng thì, như số phận nổi chìm của nó - trước bao sóng gió của dư luận, bộ phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" (LCU-ĐTTTL) từng bị phản đối dữ dội ròng rã suốt một năm trời, đến nay "số phận" đó được định đoạt một cách có hậu: đó là, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có văn bản chính thức về việc phổ biến bộ phim, sau ba lần "nâng lên đặt xuống" của Hội đồng duyệt phim Quốc gia.

Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Bộ phim phỉ báng lịch sử

"Vì nước mạnh thế như rồng hổ/ Vì phồn vinh con cháu muôn đời/ Tầm nhìn xa vượt ngoài kim cổ/ Dời đô Hoa Lư về Đại La/ Thăng Long trường cửu/ Vận nước dài lâu/ Giang sơn muôn thủa vững bền..."
Những ca từ được phổ nhạc trong phần đầu bộ phim LCU- ĐTTTL mà lẽ ra, chúng ta phải được nghe, được xem vào những ngày này năm trước - những diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi lịch sử được tái hiện hoành tráng, hào hùng. Dù lỡ hẹn nhưng vẫn chưa muộn. Bởi lịch sử và những người làm phim lịch sử luôn tin và tôn trọng lịch sử, thông qua đó muốn gửi gắm, ký thác những tư tưởng, triết lý về cuộc sống con  người, xã hội và dân tộc mà thông điệp bộ phim sẽ mang đến cho công chúng.
Bộ phim truyện video nhiều tập "LCU-ĐTTTL" được xây dựng gồm 19 tập do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty CP Truyền thông Trường Thành phối hợp sản xuất. Đây là một bộ phim được xây dựng công phu, đầu tư lớn vì phải thuê trường quay, bối cảnh và thực hiện nhiều cảnh quay ở nước ngoài (Trung Quốc). Tư tưởng chủ đạo của phim là khắc hoạ và khẳng định quá trình hình thành nhân cách và tài năng của Đức Thái tổ Lý Công Uẩn, từ nhỏ đến khi lên ngôi Hoàng đế, quyết định rời đô từ Hoa Lư về Đại La rồi đổi tên thành Thăng Long.
Như đã nói, là một trong số ít ỏi bộ phim truyền hình được hoàn thành sớm và lẽ ra được trình chiếu rộng rãi vào dịp Đại lễ, nhưng phim "LCU-ĐTTTL" đã vấp phải sự phản ứng của dư luận do một số báo đã đưa tin không chính thống (lấy từ ý kiến của một số cá nhân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và blog cá nhân).
Tiếp thu và tôn trọng những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia tại lần thẩm định thứ ba, nhà sản xuất đã khắc phục những tồn tại, tiếp tục chỉnh sửa, biên tập, cắt bớt một số cảnh theo yêu cầu của Hội đồng.
Và không phải bàn cãi gì, khi ra văn bản phổ biến bộ phim, Bộ VH-TT&DL còn khẳng định một lần nữa: "Bộ phim LCU-ĐTTTL không vi phạm các điều cấm phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật" để "Đài Truyền hình Việt Nam xem xét, quyết định việc phát sóng bộ phim theo quy định của Luật Điện ảnh và Luật Báo chí”.
Căn cứ pháp lý chắc như đinh đóng cột là vậy. Và phim "LCU-ĐTTTL" dự kiến phát sóng vào ngày 30/6/2011 sau khi VTV có kế hoạch tạm dừng phim "Huyền sử thiên đô” thì lại tiếp tục hứng chịu búa rìu dư luận. Và "Đường tới công chúng" của bộ phim một lần nữa hết gặp phải chông gai này đến ghềnh thác khác..
Trước tiên, xin nói ngay: người phản đối quyết liệt nhất vẫn là Nhà sử học Lê Văn Lan. Theo phát ngôn của Nhà sử học trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Lan bày tỏ ý kiến với việc duyệt và công chiếu phim này, bởi bộ phim có một số yếu tố không mang tinh thần lịch sử và văn hoá Việt Nam; Phim không lột tả được tinh thần của một số sự kiện lịch sử, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (980-981). Ông Lan còn thẳng thắn rằng "không nên chiếu bộ phim này"!
Nhằm phản biện với những ý kiến của Nhà sử học Lê Văn Lan xoay quanh điện ảnh - kịch trường, những kiến thức và chi tiết lịch sử..., Giám đốc sản xuất kiêm tác giả kịch bản bộ phim - ông Trịnh Văn Sơn, Công ty CP Truyền thông Trường Thành đã tỏ rõ sự thẳng thắn về vấn đề này với ông Lan trên báo Gia đình & Xã hội (số 68, ngày 8/6/2011), một số tờ báo điện tử và đặc biệt là bài trả lời phỏng vấn trên báo Nhà báo & Công luận (số 24 từ 10-16/6/2011) GS. sử học Lê Văn Lan đã có sự nhầm lẫn?
 Chúng tôi không nhắc lại những đối thoại của ông Trịnh Văn Sơn. Bởi tất cả đã rõ. Hơn nữa, chính ông Lan đã thừa nhận với báo Gia đình & Xã hội (ra ngày 10/6/2011) về sự nhầm lẫn, sai sót một số chi tiết của mình. Chúng tôi chỉ nhắc lại lời ông Sơn "Ông Lê Văn Lan là người có vai trò "tu chỉnh kịch bản" ban đầu của phim, nhưng trong lần cuối cùng không hề được mời tham dự duyệt phim do Bộ VH-TT&DL tổ chức để thẩm định phim khi phát sóng".
Vậy thử hỏi Nhà sử học không được mời thì đâu biết phim được chỉnh sửa, biên tập thế nào mà... phản đối? Nhà sử học Dương Trung Quốc- người cố vấn nhiều phim lịch sử - cũng đã chia sẻ đại ý rằng: "người cố vấn đừng nên can thiệp quá sâu vào tiến trình làm phim của đạo diễn; phải tôn trọng sự sáng tạo của người nghệ sĩ"!
Sau đó một vài cá nhân khác trong và ngoài ngành Điện ảnh cũng "tát nước theo mưa" trên báo chí và blog cá nhân chỉ trích không ngoài động cơ hạ bệ bộ phim "LCU-ĐTTTL" do một tập thể làm phim đầy trách nhiệm, giàu ý tưởng, khát vọng về một tác phẩm điện ảnh cổ trang độc đáo mang tầm vóc lịch sử - vì giá trị nghệ thuật đích thực.
Các cá nhân đó phản đối phim kịch liệt, vì cho rằng xuyên tạc lịch sử, "thân Tàu", trang phục, bối cảnh đều của Tàu cả. Riêng phần phục trang, chúng tôi đã tận mắt xem tập mẫu thiết kế của TS, Hoạ sĩ Đào Thị Tình cho từng nhân vật trong phim từ long bào, giáp trụ đến các bộ thường phục.
Chỉ riêng nhân vật Lý Công Uẩn đã có hàng loạt các thiết kế phục trang như các cảnh: ở chùa khi còn nhỏ, xuống núi, làm lễ thành hôn, luyện võ, giáp phục ra trận hay long bào khi thiết triều, khi dời đô... Việc sản xuất trang phục  đơn cử như may giáp phục trong điều kiện và sức ép về thời gian như vậy khó mà thực hiện được nên việc đặt may và thuê tại Trung Quốc là hướng mà nhiều nhà làm phim Việt đã lựa chọn. Vấn đề là làm theo bản vẽ thiết kế mà các chuyên gia của chúng ta đã thẩm định.
Cảnh trong phim: Lý Công Uẩn tháp tùng Vua Lê Hoàn "Vi hành"
Còn việc nội dung phim có xuyên tạc lịch sử, có "thân Tàu" hay không thì, Văn bản số 738/BVHTTDL-ĐA của Bộ VH-TT&DL cũng thể hiện rõ: "Về cơ bản tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân, biết đặt lợi ích của dân tộc lên lợi ích cá nhân. Nội dung không có gì vi phạm về chính trị, cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc".
Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan từng viết: "Một bài phê bình điện ảnh chỉ thực sự cần thiết cho khán giả và người sáng tác điện ảnh khi người viết bàn thẳng vào những gì có trên màn ảnh một cách khách quan và sâu sắc, từ đó nhìn nhận công bằng ý nghĩa xã hội và giá trị nghệ thuật của bộ phim...".
Bởi vậy, thiết nghĩ hãy để bộ phim ra mắt khán giả! Công chúng là người thẩm định công minh nhất, đầy đủ và chính xác nhất. Vì nghệ thuật đích thực là phục vụ số đông công chúng, chứ không phải là "chiều" theo một số ít hoặc một nhóm người nào! Cũng thiết nghĩ, Đài THVN nên sớm triển khai kế hoạch phát sóng công chiếu bộ phim để khán giả sớm được thưởng thức và thẩm định giá trị đích thực đó.
Đối với nhà làm phim - Giám đốc sản xuất kiêm tác giả kịch bản Trịnh Văn Sơn, một năm qua báo chí tốn không ít thời gian và giấy mực xoay quanh bộ phim "LCU-ĐTTTL" mà ông là người chịu trách nhiệm cao nhất của dự án, đã phải đối đầu với bao thách thức. Nhưng ông cùng tập thể 40 "tinh binh" đã vượt lên tất cả vì cái TÂM, cái TẦM và cái nhạy cảm của người làm truyền thông, làm kinh doanh lẫn nghệ thuật
Bằng chứng là: "Trong khi các hãng phim tư nhân đều hướng đến làm phim giải trí để thu hồi vốn nhanh, để hấp dẫn khán giả thì việc một đơn vị tư nhân dám chấp nhận thử thách, đầu tư để làm phim lịch sử một cách quy mô, hoành tráng theo tôi cần được trân trọng" - như lời của GS, TS Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch HĐLL, PBVHNT Trung ương.
Nhân đây cũng được nói thêm: người ta chỉ biết đến Trịnh Văn Sơn và tập thể Công ty "táo gan" lần đầu tiên bung phá trong làng điện ảnh nước nhà mà không biết rằng đồng thời với dự án phim này và trước đó, ông và doanh nghiệp cũng đã triển khai một số dự án lớn mà tiêu biểu Đề án “Sức nước ngàn năm”.
Đề án được triển khai thành nhìều sản phẩm trong đó có cuốn sách mang tên “ Sức nước ngàn năm - Cẩm nang pháp luật trong cuộc sống hằng ngày” đã được in dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo TW và Bộ Tư pháp, do NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 2009. Với việc cuốn "Sức nước ngàn năm" được đưa vào kỳ họp Quốc hội khoá XIII cho các đại biểu, đã gây một tiếng vang lớn về tính thuyết phục của nó.
Đặt ra được những vấn đề lớn lao tầm cỡ như thế, với mong muốn được áp dụng nhằm xoay chuyển quốc kế dân sinh thông qua con đường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, rõ ràng, không phải mơ hồ, phiêu lưu và mạo hiểm để Nhà sản xuất và tập thể Công ty ông làm phim "LCU-ĐTTTL"? Chúng ta có quyền tin tưởng, có quyền hy vọng ở bộ phim sắp sửa được trình chiếu - từ những cơ sở, tiền đề vững chắc ấy - như ông và tập thể luôn tin ở chính mình, "dù ai nói ngả nói nghiêng"!  

( Nguoihanoi.com.vn)

1 nhận xét:

  1. Giáo sư sử học Lê Văn Lan phản đối khi tên ông có trên generic phim với vai trò cố vấn lịch sử. Ông vạch ra nhiều lỗi sai, và kết luận: Không nên chiếu bộ phim này. Theo Giáo sư Lan, “cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 - 981) là niềm tự hào của tất cả những người VN chân chính, nhưng phim lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi ất ơ nào đó là núi Chu Tước”.

    Trả lờiXóa