Khởi nguồn
Những thảo luận về chủ đề này từng được GS Chu Hảo (giám đốc NXB Tri thức) khơi dậy cách đây 5 năm nhưng tính chất gay gắt chưa từng rẫy nóng lên như trong tuần lễ dài của Tết Nguyên Đán vừa qua.
Thảo luận lần này, cũng xuất phát từ phát ngôn của GS Chu Hảo khi ông nói với một tờ báo rằng "không có tư duy phản biện, không phải là trí thức".
Sau đó, câu hỏi của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần nêu nội dung này với GS Châu:
"Gần đây, phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?".
GS Ngô Bảo Châu trả lời:
Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
Cọ xát ngôn ngữ
Bài phỏng vấn còn nêu những giả định như "lãnh đạo căn cứ vào các ý kiến nào để ra quyết định sau khi lắng nghe các ý kiến" và GS Ngô Bảo Châu thì nhìn nhận "phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình".
Tuy nhiên, các ý kiến trao đổi trên nhiều trang mạng chủ yếu xoay quanh quan niệm về trí thức mà GS Châu đã phát ngôn, dù trước đó vài ngày vừa xuất hiện một góc nhìn khác không kém phần sắc sảo của nhà văn Phạm Thị Hoài khi gọi Chu Hảo là "đối lập trung thành".
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ nhân trang blog "Quê choa" với lượng bạn đọc đông đảo, đăng tải bài viết của tác giả Trần Minh Khôi "phản pháo" lại những lời nói của GS Châu.
GS Nguyễn Huệ Chi, người được biết tới là có nhiều phản biện các chính sách nhà nước cũng không hài lòng với quan điểm GS Châu đưa ra.
Những định nghĩa về từ "trí thức" từ trang từ điển mở trên mạng wikipedia, hay cắt nghĩa theo gốc Anh, gốc Nga, gốc Trung, lý giải theo trường từ vựng, đặt trong bối cảnh du nhập vào Việt Nam kèm theo quen sử dụng từ ngữ, truyền thống, văn hóa... được dịp tái hiện.
Những từ ngữ "trí thức phản biện", "trí thức trùm chăn", "trí ngủ", "ngụy trí thức", "trí thức xu thời", rồi "trí thức sẻ chia" lại được gọi tên.
Câu chuyện sử dụng "kẻ sĩ, trí thức" ở nhiều triều đại Trung Quốc rồi Liên Xô được nhà vật lý Nguyễn Đình Đăng (hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản) lược lại. Ông còn dẫn một tổng hợp và đề xuất 10 dấu hiệu của giới trí thức hiện đại của tiến sĩ lịch sử người Nga Vitaly Tepikin trong tác phẩm “Trí thức và vai trò của nó trong quá trình văn hoá”.
Mùng 3 Tết, nhà văn Phạm Toàn - một tiếng nói phản biện sắc sảo với nhiều vấn đề trong nước, góp một bài viết mà ở đó, ngôn từ toát lên sự khoan dung với GS Ngô Bảo Châu - cũng ở độ tuổi của người con trai ông (một dịch gia am tường thế sự) mà vẫn không khoan nhượng với những thông điệp ẩn ngôn "giữa các làn chữ".
Một tạp chí ở Pháp nhận diện ý tưởng của GS Ngô Bảo Châu theo giả thiết "biên tập lại". Những câu hỏi trong bài trả lời phỏng vấn có tiêu đề hiền hòa "Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin ở tương lai" của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, sau đó được trang này rút tít với tiêu đề "Không ai độc quyền chân lý".
Không chỉ vậy, trong thời gian ngắn, những "ngôn ngữ hình ảnh" lấy cảm hứng từ cuộc "phím chiến" này cũng kịp ra đời. Hình ảnh chú cừu thông thái (ý tưởng từ một phát ngôn nổi tiếng của GS Châu có từ "cừu") hoặc lấy ý tưởng phát ngôn của một nhân vật lịch sử về trí thức đã kịp được các bạn trẻ phóng họa với nét vẽ hài hước.
Câu chuyện không dừng lại ở định nghĩa trí thức mà lan rộng tới cả công việc của GS Châu (ở Viện Toán cao cấp), mối quan hệ của ông với giới lãnh đạo. Điều này được cắt nghĩa bởi trong suy nghĩ của nhiều người Việt bây giờ, mỗi phát ngôn của GS Châu đều được đặc biệt chú ý (sau sự kiện giải thưởng Fields và cơn hưng phấn quá đà của truyền thông hiện không còn nóng nữa, GS Ngô Bảo Châu ghi dấu ấn trong cộng đồng mạng với 2 phát ngôn "Bám theo lề là việc của con cừu, không phải người tự do" và "Không thể lấy sự sợ hãi làm phương tiện bảo vệ chế độ").
Giải Fields và giải thưởng "những cánh đồng"
Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sắp hết, một cây viết gắn bó với nông dân miền Tây nghi ngại liệu những tranh luận sôi nổi về chủ đề trí thức có khiến những người quan tâm tới thế sự vô tình xao lãng câu chuyện đang nóng lên trong những ngày trước Tết về vụ việc người nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hay không.
Một người dùng Facebook trẻ - góp ý tưởng ra đời chuyên mục của một tờ báo mạng về những phát ngôn và hành động (nay đã thay bởi chuyên mục khác) -, sau khi trích dẫn vài câu viết mà anh tâm huyết của nhà vật lý Nguyễn Đình Đăng, đã chia sẻ suy nghĩ ngắn gọn: "Đã sắp hết kỳ nghỉ Tết dài, năm 2012 đang đến với nhiều khó khăn, khủng hoảng và cần nhiều việc bắt tay vào hành động".
Sau 1 tháng từ ngày bị cưỡng chế, khu đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý ngổn ngang, hoang tàn. Ảnh: Kiên Trung/VietNamNet |
Một tuần sau cuộc thảo luận, GS Ngô Bảo Châu gửi thư cho chủ nhân trang blog Quê Choa với cách diễn đạt dân dã: " "Bọ tạm ngưng cơn bão trong cốc thủy tinh nhé".
Cơn bão "luận trí thức" rồi cũng qua trong ngày đầu tiên cả nước đi làm sau đợt nghỉ dài hiếm có của Tết con Rồng này.
Trong những ngày đi làm trở lại, nhiều người dân Thủ đô lại đương đầu và rối quanh với một chính sách ngay tắp lự đi vào cuộc sống: đổi giờ học, giờ làm. Nhưng nơi đầu sóng Hải Phòng đã không bị lãng quên. Câu chuyện sôi nổi trở lại trên nhiều trang mạng, qua nhiều đường link chia sẻ là thông tin về những diễn biến còn dang dở từ vụ đất đai Tiên Lãng.
Những năm gần đây, GS Ngô Bảo Châu có điều kiện về nước xuân thu nhị kỳ.
Mùa xuân năm 2011, ông về khi nước nhà vừa xong một sự kiện lớn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 diễn ra trong tháng 1, một trong những thảo luận có nhiều ý kiến khác biệt nhất là nên sửa nghị quyết đề cập tới "đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa": Quyền sở hữu về tư liệu sản xuất (mà với người nông dân quan trọng là đất đai) là 'tư hữu' hay 'công hữu chủ yếu'? (Và ĐH đã thông qua phương án xác định đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa là "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”)..
Mùa xuân năm nay, ông trở về vài ngày vào tháng 1 - thời điểm mà thông tin đang được lưu tâm trên mặt báo chính thống cũng như các diễn đàn là sự kiện người nông dân Đoàn Văn Vươn nổ súng vào chính quyền khi bị cưỡng chế đất.
Ở một xứ sở mà ước mong đổi đời và con đường thoát nghèo của nông dân chủ yếu là thông qua con đường đi học, người dân có tâm lý kỳ vọng những người có chữ, được ăn học đến nơi đến chốn nói hộ mình tâm tư hoặc thuyết phục được người trên mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình.
Trong bài "Hàn lâm liệt truyện' vẫn với lối viết nhuần nhị (cũng được gợi cảm hứng từ cuộc thảo luận trên), Hiệu Minh (một người làm khoa học ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam xưa, nay đang ở Mỹ làm việc cho Ngân hàng Thế giới) đã kể lại những câu chuyện "rất đời" về mối quan hệ giữa người làm khoa học và người nông dân. Bài viết nhắc nhớ tới trách nhiệm chưa tròn của những người làm khoa học và quản lý của Việt Nam.
Những ngày đầu xuân lạnh giá này, người nông dân không biết hoặc ít biết tới "cơn bão trong chén nước trà" đã lướt qua trên mạng ra sao.
Nhưng trên những cánh đồng dù bé mọn hay bất tận, người nông đang đi những đường cày đầu tiên, dù nơi đó có mở lễ tịch điền hoặc không. Có nơi, không trâu, không tiền thuê máy, một số hộ nông dân phải dùng sức người kéo bừa.
Người nông dân Việt, lực lượng lao động chiếm áp đảo dân số vẫn hy vọng những người làm khoa học và những người có chữ nghĩa sẽ có nhiều hơn lời nói, hành động, sản phẩm và cả "gây sức ép lên người lãnh đạo" (chữ dùng của Ngô Bảo Châu) để giúp họ đổi cái đời nghèo khổ.
Giải thưởng Fields của thế giới 4 năm mới được trao một lần, được thẩm định nghiêm ngặt bởi những đầu óc học thuật hàng đầu, dù giá trị hiện kim khiếm tốn, nhưng vẫn có tác dụng rất lớn với việc khuyến khích những người làm khoa học về toán cống hiến các công trình có giá trị cho tương lai, như ý nghĩa khởi nguyên của nó.
Giải thưởng Fields của Việt Nam (nếu có) xin đặt tên "giải thưởng những cánh đồng" (những cánh đồng cũng là một trong những nghĩa tiếng Việt của từ "fields"). "Giải thưởng cánh đồng", do người nông dân tôn vinh, có lẽ cũng có giá trị ghi nhận lớn lao cho những con người có đóng góp đặc biệt để làm cho cuộc sống của người nông dân lương thiện luôn được đón những mùa xuân.
Hạ Anh - vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét