Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Chuyện hậu duệ chúa Trịnh Tùng làm Thứ trưởng

27 năm đã trôi qua, căn phòng nhỏ trên gác hai số nhà 11 Tông Đản với những vật dụng thân quen lúc sinh thời của cụ Trịnh Văn Bính chưa thay đổi. Khó ai có thể nghĩ rằng, nơi này gắn liền với cuộc đời của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính - cụ Trịnh Văn Bính, hậu duệ đời thứ 15 chúa Trịnh Tùng.


Những đề xuất táo bạo

Từ nhỏ, Trịnh Văn Bính, cậu cả hiệu buôn Phúc Lợi đã nổi tiếng với thành tích học tập khó ai sánh bằng. Thời trai trẻ, chàng thanh niên Trịnh Văn Bính đã theo học ở trường Anbe Saro. Sau khi tốt nghiệp tú tài, cụ được cử đi du học tại CĐ Tài chính tại Pháp. Sau đó, dù chưa tốt nghiệp trường này, cụ đã nhanh chóng tìm kiếm được một suất học bổng tại ĐH Oxford Anh.

Nhà giáo Trịnh Văn Lương, cháu ruột của cụ Trịnh Văn Bính chia sẻ: "Trong khi bố tôi (cụ Trịnh Văn Bô) và bác tôi (cụ Trịnh Thị Thục) nối nghiệp cha mở hiệu buôn vải, phát triển thương hiệu Phúc Lợi thì bác Bính lại quyết định chọn cả đời gắn liền với những con số".

Ông Trịnh Cương, con trai cụ Trịnh Văn Bính chia sẻ về cha mình.

Sau khi tốt nghiệp trở về nước, cụ Bính tham gia dạy tiếng Anh tại trường Thăng Long (Hà Nội). Với kiến thức uyên bác về tài chính và trình độ đầu ngành về thuế, cụ là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được giữ cương vị lãnh đạo trong Sở Thuế quan Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.

Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, mời cụ ra hợp tác nhưng cụ nhất quyết từ chối, yên vị ở vị trí là một viên chức sở thuế. Cũng nhờ quyết định này mà khi cách mạng thành công, cụ Trịnh Văn Bính nắm giữ được đầy đủ các nguồn thu cho cách mạng từ miền Bắc, Trung, Nam. Giữa tháng 9/1945, theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, Hồ Chủ tịch đã mời cụ cùng ba viên chức cao cấp khác của chính quyền cũ chuyển sang làm việc ở Bộ Tài chính.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ một tuần sau lễ công bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 10/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh số 27/SL đặt ra Sở Thuế quan và Thuế gián thu (trực thuộc Bộ Tài Chính). Ngay trong ngày, Chính phủ ra sắc lệnh bổ nhiệm cụ Trịnh Văn Bính, Giám đốc sở thương chính Bắc kỳ làm Tổng giám đốc.

Lúc này, sở Thuế quan và Thuế gián thu có nhiệm vụ xây dựng chính sách và tổ chức chỉ đạo, quản lý việc thu các loại thuế xuất nhập cảng, các thứ thuế gián thu (rượu, muối, thuốc lá điếu...). Lúc đó, cụ Trịnh Văn Bính mới 35 tuổi. Ngày 31/12/1945, theo Sắc lệnh số 78, cụ Bính lại được cử vào Uỷ ban nghiên cứu kiến thiết do Hồ Chủ tịch trực tiếp điều hành, với nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch thiết thực kiến thiết quốc gia và thảo ra những dự án kiến thiết trình Chính phủ.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua danh sách Hội đồng Chính phủ mới. Ông Lê Văn Hiến được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính thay ông Phạm Văn Đồng. Ngày 22/3/1946, Hội đồng Chính phủ mới đã bổ nhiệm cụ Bính là Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tài chính, kiêm nhiệm tổng giám đốc Sở Thuế quan và Thuế gián thu. Tháng 6/1946, ông Bính lại được cử là thành viên đoàn Chính phủ do Hồ Chủ tịch dẫn đầu, sang dự Hội nghị Phông -ten-nơ-blô tại Pháp.

Cụ Bính đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ sớm bãi bỏ chế độ công quản rượu, thuốc phiện và giải phóng đồng muối cho diêm dân tự do sản xuất bán lại muối cho Nhà nước theo giá thích hợp để Nhà nước bán lại cho dân, đặc biệt rất cần cho đồng bào dân tộc ở miền núi. Mặt khác, trong phạm vi cần thiết, nên tăng thuế tiêu thụ đối với một số mặt hàng mang tính xa xỉ như: thuốc lào, thuốc lá, rượu tây, rượu tàu, bia, bài lá. Hồ Chủ tịch tỏ ý hài lòng về những ý kiến đề xuất và chỉ thị sớm nghiên cứu triển khai việc cải cách thuế phù hợp với tình hình mới.

Nhà giáo Trịnh Văn Lương cho biết: "Lúc chà (cách gọi thân thiết của con cháu cụ Bính) còn sống, tôi là người thường xuyên được nói chuyện với chà. Tôi thường hỏi chà tại sao không vào Đảng? Chà nói với tôi rằng, từ khi chà tham gia vào Chính phủ cách mạng, Bác Hồ có bảo với Chà là: "Chú ở ngoài Đảng sẽ làm được nhiều việc hơn cho cách mạng".

Vị Thứ trưởng “ngại” đi ô tô


Cụ Trịnh Văn Bính thời còn trẻ (ảnh chụp trong chuyến đi cùng đoàn Chính phủ do Hồ Chủ tịch dẫn đầu, sang dự Hội nghị Phông -ten-nơ-blô tại Pháp).

Theo lời kể của ông Trịnh Cương, con trai cụ Trịnh Văn Bính, sáng 14/09/1985, cụ Trần Duy Hưng (nguyên Chủ tịch đầu tiên của TP Hà Nội) đến thăm cụ Bính. Lúc này, cụ Trịnh Văn Bính đang bị ốm nặng. Khi trò chuyện cụ Hưng có nói với cụ Bính: "Hôm nay đổi tiền anh ạ!". "Lúc đó, bố tôi dù nằm trên giường bệnh, thở rất khó khăn nhưng cũng vẫn gằn giọng bảo: "Đã bảo không được đổi tiền cơ mà?". Chúng tôi rất lo cho sức khỏe của bố nên có nói rằng: "Chà không nên suy nghĩ. Giờ tài chính đã có người khác lo rồi. Chà cứ yên tâm dưỡng bệnh".

Ngay sau ngày nhận được tin đổi tiền, cụ Bính liên tục khó thở và rơi vào tình trạng nguy kịch. Dù tất cả người thân đều an ủi, động viên cụ nhưng những ai từng vào sinh ra tử cùng cách mạng đều hiểu rằng, Chà vẫn luôn đau đáu với nền tài chính quốc gia, với sự ổn định tiền tệ.

Ông Trịnh Cương kể: "Tháng 10/1947, khi giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, đúng trụ sở Bộ Tài chính gần nơi ở của gia đình tôi. Nhờ tinh thần cảnh giác, gia đình tôi đã kịp thời ngụy trang thành người dân tộc, thoát được ra ngoài, sống cùng đồng bào bản địa, tránh được sự theo dõi của địch. Thời gian này là giai đoạn thử thách gay go, nguy hiểm trong sinh hoạt của cả nhà. Nhiều hôm Chà phải ăn đói, chịu khát, thậm chí còn bị sốt rét ác tính. Những bữa ăn không có cơm, thay vào đó là món mèn mén của bà con dân tộc nhưng chà vẫn ăn ngon. Đến giờ tôi cũng không hiểu với thể lực yếu ớt như vậy, điều gì đã giúp Chà vượt qua được giai đoạn đó".

Ông Trịnh Cương tâm sự: "Cứ mỗi năm vào dịp giỗ Chà và lễ Tết, gia đình chúng tôi cũng được đón tiếp nhiều vị khách quý lạ mặt. Họ đến viếng thăm bởi đơn giản, họ nhớ ngày Chà ra đi và vì ân tình của chà với họ lúc sinh thời".

Ông Huỳnh Huy Quế, một người từng là nhân viên cũ của ông cụ chia sẻ: "Lúc sinh thời, cụ Bính luôn quan tâm giúp đỡ, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên cơ quan về nhiều mặt. Với các báo cáo, dự thảo của từng đơn vị trình lên, bác Bính đọc rất kỹ. Nếu có vấn đề nào chưa thấy đúng hoặc cần bàn thêm, bác không tự ý gạch xoá mà đánh dấu bên lề văn bản, cho mời các cán bộ có liên quan lên chỉ rõ từng điểm chưa được".

Ông Trịnh Cương chia sẻ: "Trong những cuộc viếng thăm của các nhân viên, họ hay kể về việc Chà quá khắt khe trong việc duyệt chi tài chính. Họ bảo, với bất cứ vị cán bộ nào mang hồ sơ đến xin duyệt xây hội trường, văn phòng, chà thường không ký. Họ bảo, chà chỉ ký với đề xuất xây dựng bệnh viện và trường học. Còn các công trình khác, chà bảo chờ kinh tế đất nước khá lên thì mới duyệt".

Có lẽ tất cả những điều đó chưa ấn tượng bằng việc tôi được ông Trịnh Cương cho xem chiếc xe đạp, mà cho đến giờ thỉnh thoảng ông Cương vẫn mang nó ra dùng. Đó là tài sản, kỷ vật của cụ Bính để lại. "Bố tôi ít khi dùng xe ô tô riêng của cơ quan. Dù lái xe và xe ở ngay tầng một, ông vẫn thường đi làm bằng xe đạp. Những năm tháng công tác nước ngoài, mỗi lần bố tôi về nước, bố tôi vẫn đạp xe hơn 30km về thăm quê ở Đồng Hoàng (Thanh Oai, Hà Tây cũ) là chuyện thường. Đặc biệt, có lần ông trợ lý của bố tôi là Trần Xuân Đản kể lại rằng, nhiều chuyến đi công vụ ở Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), đường xấu xe ô tô không vào được. Thế là bố tôi liền mượn xe đạp của dân đạp đến tận nơi cần kiểm tra, muốn đến đó phải đạp xe đến 40km. Nhân viên của bố tôi cũng phải mượn xe đạp theo", ông Cương cho biết.

Theo gia phả Trịnh tộc thì cụ Trịnh Văn Bính thuộc dòng dõi của Khánh quận công Trịnh Kiều - con thứ 4 của An Đô Vương Trịnh Cương. Cụ là hậu duệ đời thứ 15 của chúa Trịnh Tùng. Cụ là con cả của cụ Trịnh Văn Đường, chủ thương hiệu vải Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20, sở hữu hàng loạt cửa hàng buôn bán vải trên phố cổ Hà Nội.

Theo Người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét