Sau khi đăng 4 kỳ phóng sự tư liệu “Những trí thức theo Bác Hồ về nước đi kháng chiến”, báo Công An Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về đề tài này. Giai đoạn từ 1946-1954, theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có khoảng 30 trí thức Việt Nam ở nước ngoài từ bỏ cuộc sống đầy đủ, về nước góp phần tham gia cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Trong số những người về nước có nhiều trí thức lớn như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh và Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Trần Đức Thảo, Giáo sư Lê Văn Thiêm, kỹ sư Lê Viết Hường sau này có người trở thành Anh hùng Lao động, Thứ trưởng, Bộ trưởng. Đồng thời những nhà trí thức lớn trong nước cùng “lên non theo kháng chiến” như Cụ Bùi Bằng Đoàn (Trưởng ban Thường trực Quốc hội), Cụ Phan Kế Toại (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (Phó Hiệu trưởng ĐHSP)… Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn, là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ông có thể nói rõ thêm về bài học lịch sử của sự kiện trên? Trả lời câu hỏi này, ông Quốc nói: Dù không thể liệt kê hết mọi tên tuổi, nhưng không thể không nêu tên các nhà trí thức lớn đã theo Bác Hồ cứu nước. Đó là Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một vị Đại nho cùng thời với những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... là bạn đồng khóa, đỗ phó bảng cùng thân phụ Bác Hồ (Cụ Nguyễn Sinh Sắc). Trong thời điểm diễn ra cao trào Xôviết Nghệ Tĩnh (1930-1931), trên tờ báo Tiếng Dân của mình, Cụ Huỳnh từng viết những bài bày tỏ sự không tán thành với đường lối của những người Cộng sản. Bởi thế, buổi đầu, Cụ có ý từ chối tham chính, nhưng nhờ cách vận động chân tình và thực tiễn cách mạng, Cụ đã nhận lời cộng tác và được Bác gửi gắm trọng trách quan trọng bậc nhất vào buổi "dựng nước" là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (mà trước đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm). Khi Bác sang thăm Pháp, Người đã giao phó toàn quyền cương vị cao nhất của Chính phủ ở trong nước cho Cụ. Bác chỉ căn dặn cần thực hiện tốt nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Có lẽ đây là trường hợp hi hữu trong lịch sử thế giới: Vị Chủ tịch nước ra nước ngoài để vận động hoà bình với nước Pháp trong thời gian tới hơn 4 tháng giữa lúc nhà nước còn rất non trẻ, nhiều nguy cơ thù trong giặc ngoài. Có thể nói, Cụ Huỳnh đã hoàn thành trọng trách một cách rất hiệu quả bằng uy tín của mình và sự cộng tác của các thành viên Chính phủ. Cụ Huỳnh tận tụy, cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng. Cụ qua đời khi đang thực hiện chuyến đi thanh tra ở miền Trung. Trước khi qua đời, Cụ còn để lại những "lời vĩnh quyết" rất sâu sắc, đặt niềm tin tuyệt đối vào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một nhân vật nữa phải nhắc đến là Cụ Nguyễn Văn Tố, một học giả tên tuổi có danh vọng và uy tín xã hội, với cương vị là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ. Cụ tham gia làm Bộ trưởng Cứu tế trong Chính phủ lâm thời (8/1945) rồi được bầu làm Trưởng ban Thường trực (Chủ tịch) Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên (2/3/1946). Cụ là liệt sĩ đầu tiên có cương vị cao nhất, hàm Bộ trưởng không bộ trong bộ máy Nhà nước, vào thời điểm hy sinh (10/1947). Cũng cần lưu ý rằng, vào thời điểm nước nhà mới độc lập, chúng ta có đội ngũ các nhà cách mạng được đào tạo trong thực tiễn đấu tranh, nhưng chưa có đội ngũ trí thức được chế độ mới đào tạo, tất cả đều là "trí thức cũ", do nền giáo dục cũ (thuộc địa hay chính quốc) đào tạo, số đông xuất thân từ tầng lớp trên và có được vị trí xã hội cả danh vọng lẫn sự sung túc. Do vậy, sự hi sinh của đội ngũ trí thức lớn khi đó là vô cùng to lớn và sức hút của họ đối với đội ngũ trí thức trong nước đi theo cách mạng cũng vô cùng to lớn. Sức hút ấy trước hết từ lá cờ tụ nghĩa của niềm khát khao yêu nước, sự nghiệp giành độc lập dân tộc, lòng tự hào của người dân Việt Nam. Nhưng sức hấp dẫn ấy còn được nhân lên bởi chính hình tượng tiêu biểu của vị lãnh tụ của cuộc cách mạng: một Nguyễn Ái Quốc được biết đến từ lâu như một tấm gương kiên cường trước cường quyền và một Hồ Chí Minh gương mẫu là một nhà lãnh đạo anh minh mà hạt nhân tư tưởng là tinh thần đại đoàn kết. Có nhiều cách phân tích nhìn nhận, nhưng theo tôi, đó là lòng tin vào những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người mà trước hết là lòng yêu nước ở mỗi con người Việt Nam. "Chúng tôi theo Cụ Hồ, trước hết là vì Cụ Hồ tin ở trí thức chúng tôi". Ý tứ này ta thấy rất rõ khi đọc hồi ức của các trí thức lớn đã gắn bó với cách mạng. Nhìn lại những gì đã qua, những cái làm tổn hại đến sự cống hiến của giới trí thức đối với cách mạng chủ yếu do tác động của quan niệm xơ cứng khi vận dụng nguyên lý "đấu tranh giai cấp" làm thui chột tinh thần dân tộc vốn là truyền thống của nhân dân ta. Vì thế, tôi cũng cho rằng quan điểm "nhân tài" của Hồ Chí Minh không chỉ hướng tới những người có tài năng lớn, những trí thức lớn mà "nhân tài" là cái tài trong mỗi con người kể từ những người dân bình thường. Biết phát hiện, biết khai thác, biết tổ chức sẽ tạo nên sức mạnh to lớn cho cách mạng. Hiểu như thế mới thấy được chiều sâu và sức mạnh của tư tưởng sử dụng nhân tài của Bác. Nguyễn Trãi khẳng định nước ta “Hào kiệt đời nào cũng có”, nhưng cũng chính Nguyễn Trãi lại nói: “Nhân tài như lá mùa thu”. Như vậy, chúng ta có thể thấy Việt Nam thời đại nào cũng có người giỏi, nhưng nhân tài thật sự phải chăng còn hiếm? Với người tài thường hay có tật. Nhất là ở người trí thức như một số người quan niệm thường hay có “cái cục bướng”, hay nói những điều “trái tai”. Mà thực tiễn lịch sử cho thấy, một số điều “trái tai” ấy lại thường là tầm nhìn vượt thời gian, đi trước thời đại. Tại lễ tưởng niệm một nhà trí thức lớn, ông từng phát biểu: Ngày hôm nay, trong cuộc đấu tranh không kém phần thử thách, chúng ta có được những trí thức lớn nữa hay không?”. Theo ông, Nhà nước cần có những chiến lược và giải pháp như thế nào để thu hút trí thức trong nước cũng như trí thức Việt kiều tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước? Về vấn đề trên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay: Hình như khi Nguyễn Trãi nói đến "Hào kiệt" là những người giúp vua thời chiến, còn "Nhân tài" là ở thời bình. Đánh giặc, vua phải lắng nghe và trọng dụng hào kiệt vì nó liên quan tới sinh mạng và sự nghiệp của mình một cách tức thì. Thời bình thì nghe nhân tài dường như khó hơn nghe kẻ xu nịnh. Nhân tài thì ít, kẻ xu nịnh thì nhiều. Nhất là những kẻ đã có công trong thời chiến nhưng thoái hóa, biến chất, dễ đòi chia sẻ cả uy tín lẫn lợi lộc với lãnh đạo. Do vậy, trong thời phong kiến sau chiến tranh thường diễn ra giết hại công thần và dường như đời nào cũng có. Nguyễn Trãi nói ra cái chân lý ấy như tiên liệu trước số phận của mình. Nhiều người có công không được trọng dụng là dễ hiểu, nhưng nhiều công thần tìm về nơi ẩn dật là bài học khôn ngoan mà người đời sau khó học. "Trí thức lớn" là khái niệm mà một nhà nghiên cứu về trí thức Việt Nam trong lịch sử đưa ra để nói về những trí thức của chế độ cũ với lòng yêu nước đã đi theo và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giành độc lập và dân chủ của dân tộc Việt Nam, một nét đặc sắc của Cách mạng Tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhà nghiên cứu đó cho rằng, những trí thức lớn này đã vượt lên trên những vấn đề giai cấp để phụng sự một mục tiêu rất cao cả. Ông cũng liên hệ rằng, ở Pháp đã có những Jean Paul Satre hay Simon De Beauvoir từng là "Đại trí thức" mà đến nay không còn nữa! Giải thích điều này theo tôi có thể thấy ngay trong đánh giá của một trong những trí thức lớn ấy là Luật sư Phan Anh. Ông được đào tạo trong nền giáo dục thực dân, có học vấn cao, có danh vọng, nhưng sẵn sàng tranh cãi bảo vệ những chiến sĩ Cộng sản. Phan Anh tham gia Chính phủ "bù nhìn" Trần Trọng Kim với cương vị Bộ trưởng Bộ Thanh niên, nhưng lại gây dựng lực lượng cho Việt Minh rồi được tiến cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Cách mạng và 4 chức Bộ trưởng tiếp theo (Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương) cùng nhiều cương vị cao trong Quốc hội (Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII), hoạt động ngoại giao (Hội nghị Fontainebleau, Hội nghị Genève), được chế độ trọng vọng. Phan Anh đúng là một trí thức lớn và ông giải thích một cách rất đơn giản là: "Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức". Đội ngũ trí thức nước ta luôn luôn mong muốn có nhà lãnh đạo chính trị có quyền lực nhất tin vào trí thức và trọng dụng trí thức. Nhất là sau này, lực lượng trí thức lại được chính thể đào tạo thì càng mong lãnh đạo của chính thể ấy coi trọng, tạo điều kiện cho họ phát huy trí tuệ, tài năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu chính thể chưa thực sự tin và trọng dụng các nhà trí thức thuộc quyền của mình mà chỉ sai khiến họ thì thật khó có trí thức lớn... Vì vậy, chỉ có phát huy dân chủ thì đất nước mới có được các trí thức lớn. Không chỉ có trí thức lớn trong nước mà còn có trí thức lớn Việt kiều. Báo Công An Nhân Dân đề xuất các cơ quan chức năng nên phối hợp để tổ chức một cuộc hội thảo quốc gia về sự kiện trên nhằm tôn vinh trí thức và rút ra bài học lớn trong xu thế hội nhập. Đưa ra ý kiến về vấn đề này, ông Quốc cho rằng: Tôi thấy thêm một cuộc hội thảo là tốt. Nhưng hội thảo phải thiết thực trong khâu tổ chức và quan trọng hơn là nó phải có "kênh"để các nhà lãnh đạo đất nước tham dự như một nhu cầu chứ không chỉ để thêm sang. Vấn đề là làm sao để các nhà lãnh đạo cao nhất tiếp tục học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về đội ngũ trí thức như Bác đã tiến hành cách đây hơn một hoa hội (60 năm). |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét