Những con số mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 2011, Việt Nam đã không chạm mốc tăng trưởng GDP 6% còn lạm phát thì vượt qua mốc 18%. Điều này cho thấy, dù đã có những tín hiệu khả quan nhưng thực tế hiện kinh tế Việt Nam hãy còn khó khăn, vi mô chưa vững chắc, đe dọa mất ổn định và rất phức tạp.
Trong khi bước vào 2012, đa số các nhận định đều cho rằng, Việt Nam vẫn trong trong vòng xoáy của lạm phát và bất ổn vĩ mô. Ở nước trong nước, khi lạm phát chưa qua, bất ổn chưa hết thì chúng ta lại phải đối mặt với khó khăn của khối sản xuất kinh doanh, những nguy cơ từ thị trường tài chính - ngân hàng và bất động sản.
Trong khi đó, những diễn biến kinh tế thế giới mới đây đang cho thấy một viễn cảnh không có lợi cho Việt Nam. Các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật... đối mặt với khủng hoảng và suy thoái và chắc chắn điều này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Nếu như năm 2011 chúng ta chủ yếu đối mặt và tập trung giải quyết khó khăn lớn nhất và những những bất ổn nội thì 2012, Việt Nam lại đối mặt thêm tình trạng suy thoái của kinh tế quốc tế. Điều này gợi nhớ đến tình huống đã xảy ra trong năm 2008 vốn còn để lại nhiều hậu quả cho đến hôm nay. Đây có thể xem là khó khăn kép mà Việt Nam phải đối mặt.
Chính vì thế, trong các nhận định của nhiều chuyên gia và DN thì 2012 vẫn còn nhiều viễn cảnh tiêu cực. Đối với họ, những thách thức 2011 chưa qua đã lộ diện thách thức mới trong 2012. Đó chính là thách thức bản lĩnh của các DN. Nói cách khác, năm 2012 sau thách thức tiếp tục là những thách thức.
Khi triển khai kế hoạch 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở: bây giờ là lúc không thể chủ quan được. "Không phải cứ thấy 6 tháng chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm xuống mà bằng mọi cách đưa tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng là không được". Ưu tiên hàng đầu vẫn là giảm lạm phát theo hướng phải kéo xuống dưới 10%. Chính phủ tính toán các mặt và phấn đấu đưa lạm phát năm tới giảm xuống còn khoảng 9%.
Các chỉ tiêu 2012 được đề ra là GDP tăng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Chủ trương điều hành chặt chẽ để ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được ưu tiên. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại, việc vừa giảm lạm phát, vừa tăng trưởng và tập trung duy trì sự ổn định trong 2012 đã là một thách thức lớn mà không dễ gì đạt được. Chưa kể, chúng ta không thể bỏ qua những khó khăn của sản xuất kinh doanh, tài chính ngân hàng... dưới chính sách thắt chặt.
Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam một sự đột phá mạnh mẽ để chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, từ dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động chất lượng thấp sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để thực hiện các đột phá theo một lộ trình hợp lý. Đặc biệt, cần ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo đảm đủ vốn, đủ ngoại tệ cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm mà thị trường trong nước và xuất khẩu đang có nhu cầu lớn; cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ưu tiên tín dụng cho các sản phẩm trọng điểm; sử dụng công cụ thuế một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất; tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Ngòai ra, cần tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp.
Trong tất cả các đòi hỏi đó, thì nổi lên cao nhất vẫn là yêu cầu tái cơ cấu một cách thực chất và hiệu quả nền kinh tế. Việc này đã nói từ lâu và phổ biến trong thời gian gần đây. Chỉ mong rằng, tái cơ cấu sẽ được thực hiện một cách đòng bộ và mạnh mẽ.
Dám làm để cứu mình - Đó cũng là một thách thức mới.
(theo vef.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét